Người gửi tiền ngân hàng héo hắt với khoản lãi ngày càng teo tóp
Nhận tin nhắn thông báo từ ngân hàng về lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn mới, bà Mai Hương (Hà Đông – Hà Nội) không khỏi nhói lòng khi số lãi nhận được ngày càng teo tóp.
Từ Lạng Sơn xuống Hà Nội bế cháu cho con gái đi làm, bà Mai Hương chia sẻ, sau khi cho con gái hơn 800 triệu đồng để mua nhà, bà cũng còn khoản tiền 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng, đề phòng đau ốm tuổi già. Đây là số tiền bà tích góp được sau nhiều năm bán bún, phở tại quê nhà. Tuy nhiên, số tiền lãi thu được từ khoản tiền gửi tiết kiệm đã liên tục giảm trong 2 năm gần đây.
Bà cho biết, trong năm 2020 nhận được 68 triệu đồng tiền lãi từ khoản gửi tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, trong tin nhắn ngân hàng mới gửi thông báo về việc tiếp tục gia hạn khoản gửi tiết kiệm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng giảm xuống chỉ còn 5,5%, tương đương với số lãi bà nhận được cuối kỳ giảm chỉ còn 55 triệu đồng.
Gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn của nhiều người dân hiện nay
Theo bà Hương số lãi nhận được hiện nay chưa bằng 2 tháng tiền lãi thu được từ việc bán bún tại nhà của mình trước đây. Tuy nhiên, vì con gái mà bà phải bỏ công việc, cho thuê nhà để xuống Hà Nội chăm 2 cháu nhỏ.
Nỗi niềm của bà Mai Hương cũng là nỗi niềm chung của nhiều người đang có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay.
Theo khảo sát sau những lần điều chỉnh lãi suất thời gian qua thì từ ngày 8/3 đến 15/3/2021 tiếp tục có gần chục ngân hàng thay đổi lãi suất tiết kiệm. Trong đó, phần lớn các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm.
Tại các ngân hàng như OCB, Kienlongbank, SeABank, PGBank, GPBank, DongABank, VietABank, lãi suất huy động đã giảm từ 0,05 đến 0,3 điểm phần trăm so với đầu tháng 3/2021.
Trong đó, OCB giữ nguyên lãi suất kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. DongABank giảm 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn.
Sacombank là trường hợp duy nhất tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên thành 3,1%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng trở lên tăng 0,2 điểm phần trăm lên thành 3,4%. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng sau điều chỉnh tăng lên thành 5,6%/năm như VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, MSB, SHB và Saigonbank.
Kienlongbank từng là ngân hàng duy nhất còn trả lãi trên 7% cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm với số tiền dưới 1 tỷ đồng thời gian qua. Tuy nhiên, ở lần điều chỉnh này ngân hàng cũng đã hạ lãi suất huy động từ 0,15-0,3 điểm phần trăm với tất cả kỳ hạn.
Hiện có gần 20 ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động tại quầy từ 6,05% đến 6,9% cho kỳ hạn 12 tháng. Các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất là SCB, Kienlongbank, CBBank, VietABank với lãi suất huy động từ 6,55% đến 6,8%. VPBank là ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại quầy thấp nhất chỉ 5,1%.
Trong đó, lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 0,5% so với gửi tại quầy. NamABank và Kienlongbank là hai ngân hàng có lãi suất huy động online kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 6,9%. Đứng sau là SCB, VietcapitalBank, CBBank,... thấp nhất cũng thuộc về VPBank với lãi suất huy động 5,3%/năm.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng T.S Nguyễn Trí Hiếu, dù lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đang xuống thấp, nhưng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư siêu truyền thống và rất được quan tâm.
Mặc dù lãi suất tiền gửi thấp, nhưng tính an toàn lại cao nhất so với các kênh đầu tư khác, cộng thêm việc rút tiền linh hoạt là một điểm hấp dẫn với nhiều người. Đặc biệt là những người lớn tuổi, những người không thích rủi ro, mạo hiểm trong đầu tư.
Tài sản của Chủ tịch Berkshire Hathaway Inc. đã tăng vọt lên 100,4 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, giúp Buffett trở thành...
Nguồn: [Link nguồn]