Người Việt tìm nơi trú ẩn an toàn, tiền nhàn rỗi ùn ùn đổ về các ngân hàng

Tiền mặt ùn ùn đổ về các ngân hàng bất chấp lãi suất huy động giảm do người dân tìm nơi trú ẩn an toàn cho số tiền nhàn rỗi của mình.

Từng định mua xe ô tô để chạy xe dịch vụ bên cạnh công việc làm văn phòng, nhưng anh Dũng (35 tuổi, ở Hà Đông – Hà Nội) đã thay đổi kế hoạch của mình. Ông bố 2 con cho biết trước Tết Nguyên đán 2020, sau hơn 2 năm tích cóp gia đình anh tiết kiệm được số tiền 250 triệu đồng và định "xuống tiền" mua một chiếc xe ô tô trả góp tầm 500 triệu đồng để vừa phục vụ gia đình vừa chạy thêm dịch vụ xe taxi công nghệ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 những tháng đầu năm 2020 khiến cho những lái xe công nghệ bị ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách giảm sút. Thu nhập của các lái xe cũng giảm chỉ còn 30-50% so với trước dịch. Qua tham khảo nhiều người bạn đang chạy xe công nghệ, anh đã tạm thời gác lại kế hoạch mua xe của mình.

Dừng kế hoạch mua xe trả góp, anh Dũng cũng tìm hiểu về các kênh đầu tư khác như mua vàng hay chứng khoán. Tuy nhiên, anh thừa nhận đây đều là lĩnh vực mình không có nhiều kinh nghiệm, trong khi độ rủi ro lớn nên thời gian qua gia đình anh vẫn đang tạm thời gửi khoản tiền tiết kiệm của mình vào ngân hàng để lấy lãi cho an toàn.

Bất chấp việc lãi suất huy động được điều chỉnh giảm nhưng nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân vẫn tăng

Bất chấp việc lãi suất huy động được điều chỉnh giảm nhưng nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân vẫn tăng

Trong khi đó, chị Khánh Linh (ở Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ gửi tiền tiết kiệm ngân hàng để tích lũy số tiền nhàn rỗi của gia đình. Chị Linh chia sẻ tổng thu nhập của hai vợ chồng là 25 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chị đều cắt trực tiếp 10 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Số tiền chi tiêu của 4 thành viên trong gia đình gói gọn trong 15 triệu đồng còn lại. Tháng nào chi tiêu nhiều hơn thì anh chị vay tạm bạn bè của mình và sẽ trả khi lĩnh lương. Không muốn hỏi vay nhiều lần, nên hàng tháng chị tính toán kỹ các khoản chi sao cho vừa số tiền đã lên kế hoạch từ trước.

Nhân viên văn phòng 30 tuổi này cũng cho biết sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua không chỉ bản thân mà nhiều đồng nghiệp cũng đã tính toán chi li hơn với những khoản chi tiêu của gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người trong công ty cũng sử dụng dịch vụ gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với số tiền nhàn rỗi của mình. Hầu hết ai cũng có 2-3 quyển sổ tiết kiệm để phòng thân những lúc ốm đau hay cần đến một số tiền lớn để phát triển bản thân, sự nghiệp sau này.

Các chuyên gia tài chính cũng đánh giá bên cạnh quyết định như mua vàng, bất động sản, đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh,... thì gửi tiết kiệm cũng là một kênh sinh lời hiệu quả, an toàn cho số tiền nhàn rỗi của mỗi người. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong nước cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động do đại dịch Covid-19, dòng tiền tiếp tục có xu hướng rót vào các kênh đầu tư an toàn, có tính thanh khoản cao, trong đó có tiền gửi tiết kiệm, và thậm chí kênh này càng được ưu tiên hơn so với những hình thức đầu tư khác”.

Còn theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 20/5, tổng huy động vốn của các ngân hàng đã tăng 1,85% so với cuối năm 2019. Với mức tăng này, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng trong gần 5 tháng qua ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, tương đương mức huy động bình quân đạt hơn 1.160 tỷ đồng/ngày.

Ở chiều cho vay, dư nợ tín dụng cùng thời điểm chỉ tăng 1,32%. Tổng số tiền các tổ chức tín dụng bơm ra nền kinh tế thời gian qua đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương mức 773 tỷ mỗi ngày. Nhờ có nguồn tiền huy động cao nên thanh khoản hệ thống vẫn trong tình trạng dồi dào.

Đến ngày 25/5, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng, với số dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng, với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng, với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng; cho vay mới đối với 680.031 khách hàng, với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.

Từ đầu năm, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0 - 1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ, hiện ở mức 5,0%/năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN