Người dân hết thời phải "mua bia kèm lạc" khi vay vốn ngân hàng?
Những người đang có ý định vay vốn ngân hàng vừa đón nhân tin cực vui khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm trường hợp "ép" buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng.
Phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009, nhưng chỉ thực sự nở rộ trong 3 năm gần đây khi hàng loạt ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ ký kết hợp tác.
Có thể kể đến những cái bắt tay giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm như Vietcombank – FWD; VPBank – AIA; Standard Chartered Việt Nam – Prudential; Techcombank – Manulife; SCB – Manulife; TPBank – Sunlife; Vietinbank – Aviva; Ngân hàng UOB Việt Nam – Bảo hiểm Bảo Việt;…
Do nguồn thu và cam kết với đối tác doanh thu bán bảo hiểm lớn nên nhiều ngân hàng đã giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên và cán bộ quản lý. Từ đó, nhân viên ngân hàng phải tìm mọi cách để bán bảo hiểm, tạo áp lực cho khách hàng. Còn người vay tiền dù chưa hoặc không có nhu cầu nhưng lại bị "gài" vào thế buộc mua bảo hiểm bởi “đề nghị” này thường sẽ xuất hiện khi gần đến giai đoạn giải ngân và đây là thời điểm “dễ thỏa hiệp” với khách hàng nhất.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xử lý nghiêm trường hợp "ép" buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng
Nhiều khách hàng cho biết khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm thường xuyên được nhân viên chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, còn đủ loại bảo hiểm "bao vây" khi đặt chân đến ngân hàng để vay vốn do các nhân viên làm đủ mọi cách để đạt chỉ tiêu doanh số được giao.
Theo nhiều người việc ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ là một hình thức liên kết kinh doanh giống như bán "bia kèm lạc", dù quyền mua bảo hiểm thuộc về khách hàng, nhưng nếu từ chối thì việc được vay vốn là không dễ dàng.
Thậm chí, một số nhân viên ngân hàng cũng tập trung vào việc làm sao bán được bảo hiểm với doanh số cao mà không tư vấn đầy đủ cho khách hàng, dẫn đến bức xúc, khiếu nại từ khách hàng về việc bị bắt buộc mua bảo hiểm.
Để ngăn chặn tình trạng "mua bia kèm lạc" khi vay vốn ngân hàng của người dân, mới đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm trường hợp "ép", bắt buộc khách vay vốn mua bảo hiểm.
Trong văn bản quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm gửi đến các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chấp hành nghiêm quy định về kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững.
Một nội dung quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Các ngân hàng phải chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cho khách hàng có nhu cầu và giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm…
Ngân hàng thương mại phải quán triệt, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm cho nhân viên, trong đó cần đặc biệt lưu ý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Văn bản chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước được ban hành trong bối cảnh thời gian qua sau khi ồ ạt ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với các công ty bảo hiểm lớn, các ngân hàng đã chạy đua "săn" khách hàng mua bảo hiểm nhằm gia tăng nguồn thu phí, bù đắp cho tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm nay. Doanh thu từ kênh bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng cũng liên tục tăng thời gian qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Thẻ tín dụng sẽ tiết kiệm khá nhiều về mặt kinh tế với những người biết cách quản lý chi tiêu và tận dụng các ưu...