Ngân hàng tung vốn chặn tín dụng đen

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành một kế hoạch hành động nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Trong đó, 7 giải pháp cụ thể đã được giao cho các đơn vị trực thuộc

Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội mới đây, một số đại biểu cho biết nhiều cử tri ngày càng lo lắng về tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sau đó, một số đại biểu tiếp tục đặt vấn đề liên quan tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm, bởi bản chất tín dụng đen là quan hệ dân sự, kinh tế. Thời gian tới, ngành công an sẽ tiếp tục trấn áp nhóm tội phạm này.

Mở rộng kênh vay vốn chính thức

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 về việc phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ngành để giải quyết tình trạng tín dụng đen. Trong những giải pháp cơ bản được kỳ vọng góp phần làm giảm sự phức tạp của tín dụng đen thời gian tới, ngành ngân hàng (NH) sẽ mở rộng kênh vay vốn chính thức.

Mới đây, Thống đốc NH Nhà nước đã ban hành quyết định về kế hoạch hành động của ngành nhằm triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Bảy giải pháp cụ thể đã được thống đốc giao cho các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các bộ - ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong "cuộc chiến" đẩy lùi tín dụng đen.

Theo đó, Thống đốc NH Nhà nước yêu cầu toàn ngành nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng những loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ NH. Bên cạnh đó, phát triển công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp, phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Thống đốc NH Nhà nước yêu cầu các cơ quan trực thuộc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn những quỹ xã hội, chương trình tài chính vi mô đăng ký hoạt động; đẩy mạnh chương trình, dự án tài chính vi mô; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về hoạt động tín dụng nhằm bảo đảm cho người dân, nhất là các đối tượng khó khăn, được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện…

Cuối tuần này, hôm 7-6, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NH Nhà nước đã chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay qua website và ứng dụng trên điện thoại di động với nhiều tiện ích. Qua cổng thông tin này, khách hàng có thể tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký vay vốn tại tổ chức tín dụng phù hợp, tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian.

Đây là một trong những bước đi tiếp theo của ngành NH trong loạt giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh, cổng thông tin này còn là kênh cung cấp báo cáo tín dụng cho khách hàng, giúp người vay giám sát, theo dõi được thông tin, điểm tín dụng và mức độ tín nhiệm của mình, phòng tránh gian lận…

"Sắp tới, CIC cần tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ xác thực khách hàng điện tử (eKYC) áp dụng vào quy trình nghiệp vụ khác, đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng thông tin số của NH Nhà nước, tổ chức tín dụng và người vay" - ông Kim Anh nhấn mạnh.

Về phía các NH thương mại, NH Nhà nước khuyến khích phát triển mô hình NH lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ khác.

Mô hình điểm giao dịch lưu động của Agribank, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

Mô hình điểm giao dịch lưu động của Agribank, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Ảnh: HOÀNG CƯỜNG

"Sáng vay, chiều nhận"

Tính đến cuối tháng 4-2019, sau 4 tháng triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng "sáng vay, chiều giải ngân", NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết doanh số cho vay đã đạt 471 tỉ đồng với 21.795 khách hàng. Người vay tập trung chủ yếu vào các nhu cầu mua sắm vật dụng sinh hoạt, sửa chữa nhà ở; mua, sửa chữa phương tiện phục vụ đi lại; học tập, chữa bệnh và các nhu cầu tiêu dùng hợp lý khác.

Theo đại diện Agribank, NH này hiện có quy mô dư nợ cho vay nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. "Từ đầu năm nay, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen, Agribank đã tung tối thiểu 5.000 tỉ đồng để cho vay. Khách hàng có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng cho mục đích tiêu dùng cấp thiết, vay ngắn hạn và chứng minh được nguồn trả nợ, đáp ứng đủ điều kiện tín dụng theo quy định sẽ được ưu tiên xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày" - đại diện Agribank khẳng định.

Sắp tới, Agribank sẽ mở rộng thêm nhiều kênh cho vay, giải ngân mới như: thấu chi tài khoản thẻ ghi nợ nội địa, cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh quy mô nhỏ… Agribank cũng đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng ở các vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tại các công ty tài chính, mạng lưới các điểm bán hàng cũng không ngừng mở rộng để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Khi người dân có đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.

Đại diện Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho biết sau 10 năm hoạt động đã xây dựng mạng lưới 7.000 điểm giới thiệu dịch vụ khắp cả nước. Từ tháng 5-2019, công ty này đã hoàn thiện và ra mắt tính năng đăng ký vay trực tuyến thông qua ứng dụng Home Credit Vietnam. Sau khi cài đặt, khách hàng có thể chủ động đăng ký vay tiền trong 2 phút, thời gian xét duyệt hồ sơ được rút ngắn còn 10 phút và có thể nhận tiền ngay trong ngày. Với bước tiến này, khả năng tiếp cận với vốn vay của khách hàng sẽ được nâng cao đáng kể.

Vì sao nhiều người tìm đến tín dụng đen? Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng đen phổ biến vì quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, bờ tường, mạng xã hội, tin nhắn di động, tờ rơi phát miễn phí..., người ta dễ thấy thông tin mời gọi vay "nóng" kèm số điện thoại liên lạc. Do đó, một trong những giải pháp của ngành NH là phủ sóng kênh cho vay chính thức và tung vốn để "lấn át" tín dụng đen. 

Nâng mức cho vay lên tối đa

Từ ngày 1-3, NH Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo lên gấp đôi - 100 triệu đồng/hộ, không phải bảo đảm tiền vay; đồng thời nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.

Trong khi đó, Agribank cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn trong cơ cấu tín dụng để cho vay, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, vay tiêu dùng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn.

Chỉ ngành ngân hàng là chưa đủ

Lãnh đạo NH Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm "trị" tín dụng đen. Trong đó, Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ được sửa đổi nhằm kiểm soát chặt chẽ, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của loại hình này để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn, tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động.

"NH Nhà nước sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng NH của người dân; phát triển sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, nhất là sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân. Các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng được sửa đổi nhằm tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của NH thương mại, tạo điều kiện để NH mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm..." - đại diện NH Nhà nước nhấn mạnh.

Theo NH Nhà nước, ngành NH thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn hoạt động phổ biến nhiều nơi. Để xử lý tình trạng này, nỗ lực của riêng ngành NH là chưa đủ, mà cần sự phối hợp của các bộ - ngành liên quan, các hiệp hội, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Về phần mình, các NH sẽ tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng; giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng tín dụng đen.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiết lộ mức lương, thưởng cao của nhân viên các ngân hàng

Con số thu nhập bình quân dựa trên số liệu tài chính riêng lẻ của từng ngân hàng có thể không phản ánh chính xác thu nhập...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN