Ngân hàng miệt mài rao bán tài sản của Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki thu hồi nợ
Nhiều tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki dù được các ngân hàng rao bán nhiều lần và hạ giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Mới đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Thăng Long thông báo đấu giá hệ thống máy móc, thiết bị tại Nhà máy sản xuất ô tô số 1 thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Giá khởi điểm cho khối tài sản đảm bảo trong lần rao bán này được giảm xuống chỉ còn gần 24,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 33,128 tỷ đồng được nhà băng này đưa ra hồi cuối tháng 8.
Cùng với đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ (nay là BIDV - Chi nhánh Tây Hồ) cũng rao bán khối tài sản là các máy móc thiết bị của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki thế chấp tại nhà băng này với giá giảm chỉ còn 16,2 tỷ đồng. Trước đó, trong lần rao bán cuối tháng 8, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm là gần 18 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietcombank liên tục hạ giá khối tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki để thu hồi nợ
Vinaxuki được thành lập vào năm 2004, với tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô “made in Vietnam” đầu tiên. Cùng với Trường Hải, đây là một trong hai doanh nghiệp ôtô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất ô tô các loại và phụ tùng.
Năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng nhà máy tại huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) với công suất 30.000 xe/năm. Từ 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải, với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi, sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Từ năm 2009, Vinaxuki bắt đầu chuyển hướng và đầu tư vào làm dòng xe con. Giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki đã đột ngột dừng lại vào năm 2012 khi Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động.
Cũng từ đó, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh thua lỗ, nợ nần, các dây chuyền sản xuất bị “đắp chiếu”. Cuối 2012, công ty này nợ ngân hàng tổng cộng 1.472 tỷ đồng. Tới năm 2014, cả 3 nhà máy ô tô của Vinaxuki phải ngừng hoạt động, các ngân hàng thì liên tục tìm cách xiết nợ, thu hồi vốn.
Vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi 45,6 ha đất của Chi nhánh Vinaxuki Thanh Hóa tại huyện Hậu Lộc. Đây được coi là dấu chấm hết cho Vinaxuki. Giấc mơ ô tô "Made in Vietnam" của ông Bùi Ngọc Huyên đã đứt gánh giữa đường. Đến nay, Vinaxuki lâm cảnh phá sản, tài sản dần bị các ngân hàng rao bán để thu hồi nợ.
Cùng với đà giảm của chỉ số VN-Index trong tuần giao dịch vừa qua, khối tài sản của gia đình đại gia 65 tuổi người Thanh Hóa này cũng bị thổi bay gần 500 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]