Ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành).

Dự thảo thông tư trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22 năm 2016 và Thông tư 15 năm 2018 về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng; cũng như kiểm soát hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững…

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Thêm quy định siết việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Ảnh: NLĐO

Thêm quy định siết việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Ảnh: NLĐO

Ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.

Theo ban soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…

Dự thảo thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành. Bởi theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, từ đó phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác... Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã nhiều lần cảnh báo về việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro. Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ tháng 7-2020 cũng theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không chuyên mua trái phiếu doanh nghiệp bằng mọi giá. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn…

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng bán đấu giá nợ xấu: Có sao bán vậy, rủi ro người mua chịu?

Một loạt các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là các lô đất trị giá hàng chục tỷ đồng được các ngân hàng rao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN