Ngân hàng gây chú ý với vụ "vay 8,5 triệu thành nợ 8,8 tỷ" đang kinh doanh ra sao?
Ngân hàng Eximbank đang là tâm điểm của giới nhà băng thời gian gần đây khi công bố khoản nợ xấu thẻ tín dụng của khách hàng từ 8,5 triệu đồng lên hơn 8,83 tỷ đồng sau 11 năm.
Những ngày gần đây, giới ngân hàng và người tiêu dùng trong nước đang rất quan tâm tới vụ đòi nợ xấu phát sinh từ thẻ tín dụng của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo đó, ông Phạm Huy Anh (Quảng Ninh), một khách hàng của Eximbank được gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ năm 2013. Nhưng qua 11 năm (đến 31/10/2023), nợ lãi phát sinh tới nay lên tới gần 8,84 tỷ đồng.
Nói về khoản nợ này, Eximbank cho biết, cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa họ và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013 và vẫn đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ. Trong khi đó, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh đã có yêu cầu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về việc này.
Ngân hàng Eximbank đang là tâm điểm về vụ đòi nợ thẻ tín dụng với dư nợ lên tới hơn 8,8 tỷ đồng
Cùng với việc gây chú ý với khoản thu nợ xấu thẻ tín dụng hơn 8,8 tỷ đồng của khách hàng, kết quả kinh doanh của Eximbank trong năm 2023 không mấy sáng sủa khi chỉ hoàn thành 54% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong khi nợ xấu "leo thang".
Báo cáo tài chính năm 2023 của Eximbank cho biết trong năm qua thu nhập lãi thuần đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 17,79% so với năm 2022. Hoạt động dịch vụ đem về 514 tỷ đồng (tăng 0,09%); Lãi mua bán chứng khoán kinh doanh là 121 tỷ đồng (tăng 38,53%); Điểm sáng là lãi từ hoạt động khác đem về 835 tỷ đồng, tăng 71,9% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đem về 485 tỷ đồng, giảm 19,83% so với năm trước. Chi phí hoạt động trong năm 2023 của Eximbank là 3.140 tỷ đồng, giảm 9,63% so với năm trước.
Ngoài ra, trong năm 2023, Eximbank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 694 tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm trước (103 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ còn gần 2.720 tỷ đồng, giảm 27%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.165 tỷ đồng, giảm 26,5% so với năm 2022. Với kế hoạch lãi 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2023, Eximbank chỉ mới thực hiện được 54% chỉ tiêu.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Eximbank là 201.416 tỷ đồng, tăng 8,84% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 156.329 tỷ đồng, tăng 5,19%; Cho vay khách hàng là 140.448 tỷ đồng, tăng 7,62%. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 22.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Ngân hàng có 1.985 tỷ đồng lợi nhuận sau thế chưa phân phối, giảm mạnh so với con số hơn 5.459 tỷ đồng hồi đầu năm.
Tổng nợ xấu của Eximbank tính đến cuối năm 2023 là 3.726 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm. Cụ thể, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 446 tỷ đồng, tăng 68%; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) là 1.412 tỷ đồng, tăng 213%; Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 1.868 tỷ đồng, tăng 14%. Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank theo đó cũng tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.
Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ghi nhận tăng thêm hơn 2.300 tỷ đồng trong một ngày.
Nguồn: [Link nguồn]