Ngân hàng đại hạ giá hơn 70% giá trị khoản nợ, chỉ mong thu hồi gốc
Trong nỗ lực thu hồi nợ xấu, nhà băng này đã đại hạ giá hơn 70% giá trị khoản nợ của khách hàng và chỉ mong thu hồi gốc của khoản nợ trong lần tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo mới nhất.
Đầu tháng 11 vừa qua, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) tiếp tục thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu).
Đây là khoản vay có tài sản bảo đảm của Nông Trường Sông Hậu tại Agribank chi nhánh TP.Cần Thơ theo 4 hợp đồng cấp tín dụng được ký vào các năm 2000, 2001, 2003 giữa Agribank Chi nhánh TP.Cần Thơ và Nông Trường Sông Hậu.
Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 30/3/2021 là gần 349 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 97 tỷ và nợ lãi hơn 252 tỷ đồng.
Dù khoản nợ của khách hàng lên tới gần 349 tỷ đồng nhưng trong lần tổ chức đấu giá này, Agribank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ chỉ còn hơn 98,5 tỷ đồng, tương đương 28% giá trị khoản nợ.
Trước đó, ngân hàng từng nhiều lần rao bán khoản nợ này nhưng bất thành. Qua mỗi lần đấu giá, giá khởi điểm của khoản nợ lại bị hạ xuống, từ mức 348,8 tỷ đồng trong lần đấu giá đầu tiên và hiện giảm xuống chỉ còn 98,5 tỷ đồng trong lần tổ chức đấu giá tài sản mới nhất tổ chức vào giữa tháng 11 vừa qua.
Agribank đang đại hạ giá nhiều khoản nợ của khách hàng để thu hồi nợ xấu
Cùng với đó, Agribank cũng giảm giá tới gần 60% giá trị khoản nợ khi thanh lý tài sản đảm bảo của khách hàng Đinh Hồng Hải.
Cụ thể, khoản nợ của ông Đinh Hồng Hải được Agribank rao bán có giá trị tạm tính gồm 7,89 tỷ đồng nợ gốc và 11,80 tỷ đồng nợ lãi. Tiền lãi nêu trên tiếp tục phát sinh cho đến khi thanh toán hết nợ gốc tiền vay.
Trong lần rao bán này, giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 7,944 tỷ đồng, chỉ cao hơn vài trăm triệu so với nợ gốc của khách hàng.
Khoản nợ hơn 42 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất muối Thiên Nhiên, ông Nguyễn Hữu Khoa và bà Hoàng Thị Hạnh cũng đang được nhà băng này rao bán với giá khởi điểm chỉ còn 15,6 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 60% so với dư nợ của khách hàng.
Không chỉ đại hạ giá nhiều khoản nợ của khách hàng nhằm thu hồi nợ xấu, Agribank cũng gây chú ý khi rao bán khoản nợ tiền tỷ của doanh nghiệp nhưng giá trị nợ gốc còn lại chỉ 5.000 đồng.
Theo đó, Agribank mới đây thông báo bán hai khoản nợ của Công ty TNHH MTV Tập đoàn An Thái (Công ty An Thái), tỉnh Hòa Bình. Tổng số dư nợ của hai khoản vay đến thời điểm này là 7.710.533.207 đồng. Trong đó, dư nợ gốc là… 5.000 đồng (năm nghìn đồng chẵn); nợ lãi là 7.710.528.207 đồng.
Cụ thể, khoản vay năm 2012 với hạn mức 6 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/09/2021 là 1.366.547.241 đồng. Trong đó, dư nợ gốc là… 4.000 đồng, dư nợ lãi 1.366.543.241 đồng.
Khoản vay còn lại được thực hiện năm 2010 với hạn mức lên đến 20 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/9/2021 là 6.343.985.966 đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 1.000 đồng và dư nợ lãi là 6.343.984.966 đồng. Agribank cho biết giá khởi điểm đấu giá hai khoản nợ trên là 6,939 tỷ đồng.
Ngoài những khoản nợ xấu nói trên, Agribank cũng đang rao bán hàng chục khoản nợ khác từ vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng. Trong đó, nhà băng này đang rao bán khoản nợ hơn 71 tỷ đồng của Công ty Cổ phần ACB Thăng Long với giá khởi điểm hơn 64 tỷ đồng.
Khoản nợ gần 142 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư tài chính và Bất động sản Quảng Đại được rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 127 tỷ đồng. Hay khoản nợ hơn 32,2 tỷ đồng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC đang được rao bán với giá khởi điểm gần 24 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ năm 2021, dư nợ xấu nội bảng sau 6 tháng đã tăng 13,5% lên 24.419 tỷ đồng. Mặc dù nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã giảm 12,5% xuống 14.311 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần 90% lên 5.211 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp đôi lên 4.906 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu qua đó tăng từ mức 1,78% cuối năm ngoái lên 1,98% cuối quý 2/2021.
Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 10 tháng đầu năm 2021, Agribank là ngân hàng đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ đối với khách hàng. Theo đó, tổng số tiền lãi ngân hàng đã giảm cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.
Trước cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương cả nước, các đại gia trong lĩnh vực BĐS đã đi tắt, đón đầu...
Nguồn: [Link nguồn]