Ngân hàng của những Chủ tịch 8X kinh doanh thế nào trong năm 2021?
Dưới sự dẫn dắt của những Chủ tịch thế hệ 8X, kết quả kinh doanh của những nhà băng này đã ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2021.
Nhiều gương mặt 8X làm Chủ tịch ngành ngân hàng
Trong năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến những bất ngờ lớn khi hàng loạt gương mặt trẻ thuộc thế hệ 8X được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.
Trong đó, có thể kể đến những cái tên như ông Phương Thành Long được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vào ngày 8/9/2021. Theo giới thiệu ông Phương Thành Long sinh năm 1983, tốt nghiệp ngành quản trị doanh nghiệp Đại học Bremen - Cộng hòa Liên bang Đức, thạc sĩ tài chính ĐH Benedictine - Mỹ và có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, VPBank, VietABank…
Ông Phương Thành Long giữ chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 8/9.
Vào đầu tháng 5/2021, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985 được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank). Theo giới thiệu Chủ tịch Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng có hơn 10 năm làm việc tại các ngân hàng: MBBank, LienVietPostBank, MSB. Trước khi ngồi "ghế nóng" tại Kienlongbank, tháng 1/2021, bà Hằng được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022.
Trước đó, vào tháng 4/2021, ông Dương Nhất Nguyên sinh năm 1983 cũng đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Ông Nguyên có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh – tài chính – ngân hàng.
Hồi tháng 7/2021, Bùi Thị Thanh Hương sinh năm 1980 cũng đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Trước khi ngồi vào vị trí lãnh đạo tại NCB, bà Hương từng là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính - chiến lược NH TMCP Tiên phong (TPB); Phó Giám đốc phụ trách khối tài chính/kế toán trưởng NH TMCP Đông Nam Á (SSB),... Năm 2018, sau khi rời vị trí Phó Tổng Giám đốc TPB, bà Hương đảm nhận vị trí CEO của Sun Group.
Lợi nhuận những ngân hàng Chủ tịch 8X có sự phân hóa mạnh
Dưới sự dẫn dắt của những Chủ tịch thế hệ 8X, kết quả kinh doanh của những nhà băng kể trên cũng có sự phân hóa đáng kể.
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) nơi bà Bùi Thị Thanh Hương giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhìn chung kém khả quan khi hoạt động chính sụt giảm 72% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 171 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Quý 4, NCB dành ra hơn 97 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 10 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, Ngân hàng trích hơn 326 tỷ đồng cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Do đó, NCB báo lỗ hơn 203 tỷ đồng trong quý 4, cùng kỳ năm trước nhà băng này chỉ lỗ gần 25 tỷ đồng.
Chủ tịch NCB Bùi Thị Thanh Hương là cái tên không lạ trong giới ngân hàng tài chính Việt Nam
Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB giảm 12% so với năm trước, chỉ ghi nhận gần 752 tỷ đồng. Ngân hàng trích hơn 243 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và hơn 506 tỷ đồng cho tái cấu trúc. Do đó, cả năm Ngân hàng báo lãi trước thuế vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và tăng 16% so với năm trước.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 của ngân hàng VietABank nơi ông Phương Thành Long giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết nhà băng này ghi nhận gần 561 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Dù kỳ này Ngân hàng dành ra gần 243 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3,3 lần cùng kỳ, nhưng nhờ nguồn thu chính tăng mạnh, nên VietABank vẫn báo lãi trước thuế tăng 34%, đạt gần 322 tỷ đồng.
Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gấp đôi năm trước, ghi nhận hơn 844 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế 658 tỷ đồng cho cả năm 2021, VietABank đã vượt 28% chỉ tiêu.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, VietABank ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 657 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, VietABank lại giảm 38% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với năm trước, chỉ còn hơn 468 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 4 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín nơi ông Dương Nhất Nguyên làm Chủ tịch ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 698 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 645 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ ngân hàng dành tới 403 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả ngân hàng báo lãi trước thuế 241 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 191 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2020.
Lũy kế năm 2021, Vietbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 635 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 505 tỷ đồng, tăng mạnh so với 319 tỷ đồng của năm trước.
Trong khi đó, Kienlongbank do bà Trần Thị Thu Hằng làm Chủ tịch cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021.
KienlongBank lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.000 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất quý 4, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KienlongBank kỳ này tăng 95,14 tỷ đồng, tương đương tăng 884,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, năm 2021 KienlongBank ghi nhận hơn 1.010 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm và đánh dấu mốc lần đầu tiên lợi nhuận của KienlongBank vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KienlongBank tăng 644 tỷ đồng, tương đương tăng 509,8% so với năm 2020.
Nguồn: [Link nguồn]
Hoàn tất bán vốn "gà đẻ trứng vàng" FE Credit cho đối tác nước ngoài, ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận lãi đột biến...