Ngân hàng "chơi lớn" miễn hàng nghìn tỷ đồng phí dịch vụ, khách hàng hưởng lợi?
Trong động thái mới nhất, ngân hàng Vietcombank quyết định sẽ miễn hàng nghìn tỷ đồng cho khách hàng của mình kể từ đầu năm 2022.
Ngân hàng Vietcombank (VCB) mới đây thông báo, kể từ ngày 01/01/2022, sẽ miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 01 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank.
Bên cạnh điều chỉnh phí dịch vụ trên VCB Digibank, Vietcombank cũng điều chỉnh cơ chế tính phí duy trì dịch vụ SMS chủ động, tuy nhiên theo xu hướng tăng.
Khách hàng cũng có thể thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert). Dịch vụ OTT Alert hoàn toàn miễn phí mà vẫn hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ,…
Như vậy, Vietcombank là nhà băng tiếp theo trong nhóm "Big 4" miễn phí chuyển tiền online mà không yêu cầu điều kiện kèm theo. Trước đó, Agribank và BIDV cũng đã công bố chính sách tương tự vào giữa năm 2021.
Ngoài Vietcombank, Agribank và BIDV trước đó nhiều ngân hàng khối tư nhân đã miễn phí chuyển khoản từ nhiều năm trước. Điển hình như Techcombank với chính sách zero fee hay mới đây là VPBank, MB và TPBank.
Vietcombank miễn phí hoàn toàn một loạt dịch vụ trên kênh ngân hàng số
Việc Vietcombank miễn phí hàng loạt dịch vụ ngân hàng số sẽ khiến nhà băng này giảm hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi mỗi năm bởi thời gian qua đây là một trong những nhà băng có mức phí dịch vụ khá cao.
Chẳng hạn phí chuyển tiền nhanh 24/7 khác hệ thống Vietcombank là từ 5.000 đồng/giao dịch đến 1 triệu đồng/giao dịch. Hay kể cả chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank cũng mất 2.000 - 5.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT). Ngoài ra, phí quản lý tài khoản mặc định trên VCB Digibank là 2.000 đồng/tháng, phí duy trì dịch vụ VCB Digibank là 10.000 đồng/tháng.
Số liệu từ báo cáo tài chính của ngân hàng cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2020, khoản thu từ dịch vụ thanh toán (với sự đóng góp chính của các loại phí chuyển khoản) đã tăng hơn 2,2 lần từ mức 2.744 tỷ vào năm 2016 lên 6.155 tỷ đồng trong năm 2020.
Sau khi trừ chi phí, lãi thuần từ hoạt động thanh toán của Vietcombank cũng tăng gấp 2,7 lần, từ mức 1.049 tỷ vào năm 2016 lên 2.782 tỷ vào năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Vietcombank không công bố chi tiết khoản thu từ hoạt động thanh toán. Tuy nhiên với tỷ trọng đóng góp dao động 45 – 55% lãi thuần hoạt động dịch vụ, ước tính Vietcombank có thể thu về khoản lãi thuần 2.000 – 2.500 tỷ từ dịch vụ này trong 3 quý vừa qua.
Dù giảm hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi nhưng quyết định này có thể giúp VCB thu hút thêm khách hàng và tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn
Dù miễn phí hàng nghìn tỷ đồng phí dịch vụ cho khách hàng từ đầu năm 2022, tuy nhiên theo giới đầu tư tài chính quyết định này của VCB không chỉ có lợi cho khách hàng mà ngân hàng cũng sẽ hưởng những lợi ích lớn.
Theo đó, việc miễn phí chuyển khoản online là bước đi mới của Vietcombank nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn càng lớn cho thấy ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Thời gian qua Vietcombank đang là một trong 3 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất ngành chỉ sau Techcombank và MB. Tuy nhiên ''ông lớn'' này đang dần bị hai ngân hàng đứng trước bỏ xa, đồng thời bị các nhà băng phía sau phả hơi nóng khi liên tục đưa ra các chính sách miễn phí dịch vụ.
Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank tại ngân hàng mẹ chỉ ở mức hơn 31%, thấp hơn khá nhiều so với MB (37%) và Techcombank (49%).
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn một tháng rao bán, ngân hàng này vẫn chưa thể xử lý được khối nợ hơn 50 tỷ đồng của doanh nghiệp có liên quan đến...