Ngân hàng bầu Thụy làm Phó chủ tịch báo lãi gần gấp đôi cùng kỳ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong quý 2/2022, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB) nơi ông bầu Nguyễn Đức Thụy giữ vị trí Phó chủ tịch báo lãi gần gấp đôi cùng kỳ và có thu nhập đột biến từ kinh doanh chứng khoán.

Báo cáo tài chính quý 2/2022 của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB) cho biết nhà băng này đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.793 tỷ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý vừa qua, các mảng kinh doanh của LPB đều tăng trưởng cao. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 39,7% lên 3.045 tỷ đồng trong quý 2/2022. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 33% lên 303 tỷ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán bị lỗ trong quý 2/2021 nhưng trong quý 2 năm nay đều có lãi lớn, lần lượt là 52 tỷ và 356 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động ở mức 1.342 tỷ đồng, tăng 23%. Ngân hàng tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng khi chi phí dự phòng quý 2 năm nay là 637 tỷ, tăng 57% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức trích lập là 949 tỷ, tăng 54% so với nửa đầu năm 2021.

Sau khi trừ các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, LPB báo lãi sau thuế tới 1.435 tỷ đồng tăng gần 94% so với số lãi chỉ hơn 740 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021. Đây được xem là mức lãi tăng mạnh nhất theo tỷ lệ phần trăm trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 đến thời điểm này.

Ngân hàng LPB nơi bầu Thụy làm Phó chủ tịch tiếp tục ghi nhận lãi tăng mạnh trong quý 2/2022

Ngân hàng LPB nơi bầu Thụy làm Phó chủ tịch tiếp tục ghi nhận lãi tăng mạnh trong quý 2/2022

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của LienVietPostBank đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của nhà băng do ông Nguyễn Đức Thụy giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ghi nhận đạt 2.855 tỷ đồng tăng 76,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhà băng này cũng đang có hơn 5.180 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối tài chính. Tăng mạnh so với con số chỉ hơn 2.582 tỷ đồng hồi đầu năm.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 300.910 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6%, đạt 226.915 tỷ đồng, chứng khoán sẵn sàng để bán hơn 42.102 tỷ đồng (tăng 10%)...

Về huy động vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 3,1% lên 185.788 tỷ đồng, chủ yếu nhờ loại tiền gửi có kỳ hạn. Tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng lại sụt giảm 21% xuống 14.148 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 7,7%.

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của LPB tăng 11% lên tới 3.183 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu cùng tăng từ 1,37% của đầu kỳ lên 1,4%.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh gần 38% khi chiếm 1.837 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng vọt 67% lên 771 tỷ đồng, riêng nợ nghi ngờ giảm 46% về mức 574 tỷ đồng.

Hiện ông Nguyễn Đức Thụy cũng đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của LPB khi đang trực tiếp sở hữu hơn 34,2 triệu cổ phiếu ngân hàng, tương đương tỷ lệ 2,28%. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 21/7, khối tài sản đại gia người Ninh Bình trực tiếp nắm giữ tại LPB có giá trị hơn 494,83 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lãi lớn từ nuôi heo, bán chuối, bầu Đức có thêm bước đi mới

Sau khi lãi lớn từ nuôi heo, bán chuối trong nửa đầu năm 2022, bầu Đức có bước đi mới nhằm mở rộng quy mô trang trại tại Gia Lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN