Mỗi thẻ ATM đang phải gánh bao nhiêu loại phí?
Việc ngân hàng tăng mạnh phí SMS Banking thời gian gần đây khiến người dùng chịu thêm áp lực bởi mỗi chiếc thẻ ATM đang phải gánh rất nhiều loại phí khác nhau.
Mới đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo chính thức thu thêm 55.000 đồng/tháng phí vượt số lượng tin đối với dịch vụ SMS Banking biến động số dư.
Cùng với đó, từ ngày 5/4, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng tăng dịch vụ SMS Banking từ 11.000 đồng lên 16.500 đồng/tháng/thuê bao với khách hàng ưu tiên. Với khách hàng thường, ngân hàng áp dụng mức phí mới là 33.000 đồng/tháng/thuê bao, tức tăng 11.000 đồng so với trước.
Hiện Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Tecombank) là nhà băng có phí thu SMS Banking cao nhất. Cụ thể, với dịch vụ SMS Banking của khách hàng thường, phí Techcombank thu hiện nay dao động từ 13.200 đồng đến 82.500 đồng/tháng/thuê bao. Trong đó, mức phí cao nhất 82.500 đồng/tháng áp dụng cho khách hàng nhận từ 61 tin nhắn/tháng trở lên.
Có những ngân hàng đang thu hơn 20 loại phí với thẻ ATM
Việc nhiều ngân hàng bất ngờ tăng phí SMS Banking lên gấp 2, 3, thậm chí có nơi tới 7 lần khiến người dùng ngày càng chịu thêm áp lực bởi mỗi chiếc thẻ ATM đang phải gánh rất nhiều loại phí khác nhau.
Cụ thể, Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước năm 2012 đã quy định thẻ ATM có 4 loại phí cơ bản. Các loại này gồm có Phí phát hành thẻ, Phí thường niên, Phí giao dịch ATM và Phí dịch vụ thẻ khác. Theo cơ quan quản lý, thực tế, các chủ thẻ chỉ phải chịu 2 loại phí cố định là phí thường niên, phí phát hành. Phí phát hành sẽ được ngân hàng thu một lần khi phát hành thẻ, còn phí thường niên thường được thu hàng năm.
Dù vậy, theo khảo sát hiện có những ngân hàng đang thu tới hơn 20 loại phí trên một thẻ ATM, phần lớn số phí này thu theo nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Trong đó, biểu phí phát hành mới của thẻ ATM của các ngân hàng đang dao động từ 0 đồng đến 300.000đ/thẻ. Các thẻ ATM nội địa có phí phát hành từ 0đ-100.000đ/thẻ.
Phí phát hành lại thẻ ATM dao động từ 15.000đ đến 150.000đ/thẻ. Trong đó, với các thẻ nội địa, phí phát hành lại từ 15.000đ-50.000đ/thẻ.
Phí thường niên để duy trì thẻ đang dao động từ 12.000đ- gần 600.000đ. Với các thẻ ATM quốc tế (thẻ Visa các loại), phí thường niên dao động từ 75.000đ-590.000đ/thẻ.
Với khách hàng sử dụng thẻ ATM để giao dịch tại cây ATM có phí giao dịch từ 0đ đến tối đa 15.000đ/giao dịch.
Phí giao dịch tại POS dao động từ 0đ-tối đa 3 triệu đồng/giao dịch.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đang miễn phí giao dịch tại Emobile banking.
Ngoài các khoản phí trên, các ngân hàng hiện đang thu một loạt loại phí khác có thể kể đến như phí xác nhận theo đề nghị của chủ thẻ với mức phí từ 10.000đ-80.000đ/lần. Phí tra soát, khiếu nại (Trường hợp chủ thẻ khiếu nại sai) với mức phí từ 20.000đ-50.000đ/lần; Phí yêu cầu cấp lại mã PIN (Trường hợp do lỗi của chủ thẻ) với mức phí 10.000đ-20.000đ/lần.
Phí chuyển đổi ngoại tệ được tính là 2% số tiền giao dịch. Phí trả thẻ do ATM thu giữ từ 10.000đ-100.000đ/lần.
Trong khi đó, các loại phí như phí khác như phí thay đổi hạn mức tín dụng thẻ/hạn mức thấu chi (Trường hợp không thay đổi hạng thẻ); Phí tạm ngừng sử dụng thẻ tại quầy; Phí mở khóa thẻ; Phí thay đổi hạn mức giao dịch ngày tại quầy; Phí chậm trả; Phí đăng ký/hủy đăng ký giao dịch Internet tại quầy; Phí cấp lại bản sao hóa đơn giao dịch; Phí dịch vụ phát hành nhanh (Chưa bao gồm phí phát hành/phí phát hành lại),... cũng có số phí thu dao động từ 0đ đến 100.000đ/lần.
Hiện có nhiều ngân hàng, chỉ riêng phụ lục về các loại biểu phí với thẻ ATM (bao gồm thẻ nội địa và quốc tế) đã lên tới 9 trang giấy A4.
Giá nhà đắt đỏ, nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chỉ mong có việc làm nuôi đủ bản thân; nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bạn năng động với mục tiêu rõ ràng và họ...
Nguồn: [Link nguồn]