Miễn phí dịch vụ, ngân hàng tìm cứu cánh để tăng thu nhập

Sự kiện: Ngân hàng

Thu nhập dịch vụ được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2020 đối với các ngân hàng, trong đó động lực chủ yếu được thúc đẩy bởi dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Khi ngân hàng đi bán bảo hiểm nhân thọ

Trong số các hoạt động dịch vụ mà các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh như bancassurance, giao dịch, bảo lãnh, dịch vụ trái phiếu, môi giới..., bancassurance là động lực chính thúc đẩy thu nhập dịch vụ, đặc biệt là mảng phân phối bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Doanh thu phí mảng BHNT qua kênh ngân hàng đã tăng rất mạnh với tốc độ bình quân 86% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2018, đưa tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập phí BHNT trong 9 tháng đầu 2019 lên 15,8% (và còn đang tiếp tục tăng).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng BHNT sẽ còn tiếp tục thâm nhập sâu với mức tăng trưởng tốt, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng trong thời gian tới.

Với việc thúc đẩy hoạt động bancassurance, trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập dịch vụ tăng mạnh nhất tại VIB và VPBank, tiếp theo là TPBank, Vietinbank và MB.

Trong khi đó, BIDV và HDBank có tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn do thiếu động lực thúc đẩy không chỉ trong hoạt động bancassurance, mà trong cả hoạt động thanh toán.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại máy ATM những ngày cận Tết 2020

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại máy ATM những ngày cận Tết 2020

Viecombank và ACB được dự báo sẽ là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019.

Cụ thể, Vietcombank đã  ký độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD vào tháng 11/2019; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9/2019 và FWD vào tháng 12/2019.

Không giống với xu hướng chung của các ngân hàng khác, thu nhập dịch vụ tại Techcombank đang có mức tăng trưởng khá thấp, do việc áp dụng các chính sách như miễn phí và hoàn tiền không giới hạn.

Xu hướng miễn phí dịch vụ đang dần trở nên phổ biến hơn với sự tham gia của VIB, TPBank và ACB, nhằm hỗ trợ mục tiêu thu hút tiền gửi không kỳ hạn dưới áp lực gia tăng của chi phí vốn.

Do đó, ước tính trong trung hạn tăng trưởng thu nhập từ thanh toán của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn, mặc dù xu hướng về thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục lan rộng.

Mặt khác, các ngân hàng có thể có thêm nguồn tăng thu nhập dịch vụ từ phí bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu. Về mặt này, Techcombank hiện có lợi thế dẫn đầu về thị phần, nhưng MB và TPBank cũng là những ngân hàng có tiềm năng thúc đẩy hoạt động này.

Với thỏa thuận bancassurance độc quyền cùng FWD, Vietcombank có thể thu về một khoản thu nhập bất thường lớn trong một vài năm tới. Các ngân hàng khác như BIDV và ACB cũng đang tìm kiếm đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền, và do đó, cũng có thể nhận được những khoản trả trước cao mặc dù các giao dịch này khó có thể hoàn tất trong ngắn hạn.

Với VPBank, nhờ việc công ty con trong mảng tài chính tiêu dùng là FE Credit đã phục hồi kể từ đầu năm 2019, ngân hàng này kỳ vọng rằng FE Credit sẽ đóng góp lần lượt khoảng 60% và 51% vào thu nhập lãi ròng hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Với việc mở rộng cho vay thẻ tín dụng và hợp tác phân phối bancassurance độc quyền với AIA, phí từ phân phối bảo hiểm nhân thọ và phí thanh toán sẽ là động lực tăng trưởng cho thu nhập dịch vụ của VPBank.

Miễn phí dịch vụ, ngân hàng tìm cứu cánh để tăng thu nhập - 2

Chất lượng tài sản được cải thiện

Tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ở mức 1,98% (cao hơn một chút so với mức 1,90% vào cuối năm 2018 và quý 2/2019). Tuy nhiên, tổng tỷ lệ nợ xấu, VAMC và nợ tiềm ẩn so với tổng tín dụng đã giảm dần xuống từ 5,85% còn 4,84% trong năm 2018.

Trong hai năm từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2019, Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực, đã có tổng số 236,8 ngàn tỷ đồng (10.296 triệu USD) nợ VAMC được xử lý, tương đương với số nợ trung bình mỗi tháng 9,6 ngàn tỷ đồng (417 triệu USD), hơn gấp đôi số nợ xử lý trung bình mỗi tháng trong giai đoạn 2012-2017.

Đặc biệt, VPBank và TPBank đã có thể tất toán hết nợ VAMC còn lại trong năm 2019. Do đó, tỷ lệ chi phí dự phòng so với thu nhập hoạt động dự kiến sẽ giảm vào năm 2020.

Trong khi đó, với một phần nhỏ nợ VAMC còn lại, BIDV và HDBank sẽ vẫn phải trích lập một khoản dự phòng cho VAMC trong năm 2020, dù có thể thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Ngoài ra, nếu việc sáp nhập giữa HDBank và PGBank diễn ra, HDBank sẽ gánh các khoản nợ VAMC của PGBank (tại tháng 9/2019 đang có số dư 908 tỷ đồng).

Về phía Vietinbank, với số dư VAMC ròng lớn ở mức trên 8 nghìn tỷ đồng vào quý 3/2019 (0,9% dư nợ), gánh nặng dự phòng dự kiến sẽ tiếp tục đáng kể vào năm 2020 dù ngân hàng đã nỗ lực xử lý được 25% dư nợ VAMC trong 9 tháng qua.

Trong khi đó, chất lượng tài sản nội bảng đang có diễn biến khác nhau. Do sự tăng trưởng nhanh chóng của cho vay bán lẻ và tiêu dùng gần đây, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như MB và TPBank đã dần tăng lên. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2018, và đang tiếp tục trong năm 2019. Do đó, chi phí dự phòng cho nợ nội bảng của các ngân hàng này dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2020.

Nguồn: [Link nguồn]

[Infographic] Những dấu ấn nổi bật của ngành ngân hàng 2019

Hàng loạt ngân hàng báo lãi trước thuế vượt 10.000 tỉ đồng; sạch nợ xấu tại VAMC; đáp ứng chuẩn mực quốc tế theo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN