Loạt ngân hàng điều chỉnh lãi tiết kiệm, nhà băng nào tăng mạnh nhất?
Ngay những ngày đầu tháng 5, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh lãi tiết kiệm theo xu hướng tăng mạnh trở lại.
Mới nhất, trong ngày 7/5 ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) tăng lãi suất huy động 0,15 điểm phần trăm với kỳ hạn 6-11 tháng, tăng 0,25 điểm phần trăm kỳ hạn 12-18 tháng. Theo biểu lãi tiết kiệm mới công bố, với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 6-7 tháng là 4,5%/năm, 9-11 tháng là 4,6%/năm, 12-13 tháng là 5,1%/năm, 15 tháng là 5,3%/năm, và 18 tháng 5,5%/năm. Bac A Bank giữ nguyên lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) tăng mạnh lãi tiết kiệm lên tới 0,35 điểm phần trăm với các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng đến 36 tháng, trong khi giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hiện đang ở mức 4,85%/năm sau khi tăng thêm 0,35 điểm phần trăm. Cũng với mức tăng này, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7-11 tháng tại CB hiện tăng lên 4,8%/năm. Kỳ hạn 12 tháng hiện có lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 13-36 tháng có lãi suất 5,2%/năm, cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay tại CB.
Lãi tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng tăng ngay từ đầu tháng 5
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1-0,2 điểm phần trăm thuộc các kỳ hạn tiền gửi 1-12 tháng. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,15 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 3,1%/năm và 3,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,2%/năm, kỳ hạn 4-5 tháng tăng thêm 0,15 điểm phần trăm, lên 3,3%-3,4%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-7 tháng được BVBank tăng thêm 0,15 điểm phần trăm, lên mức 4,25%-4,35%/năm.
Kỳ hạn 8-11 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên mức 4,45% đối với kỳ hạn 8 tháng, 4,55%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng, 4,65%/năm đối với kỳ hạn 10 tháng, và 4,75%/năm đối với kỳ hạn 11 tháng. BVBank tăng thêm 0,15 điểm phần trăm lãi suất cho kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, lên mức 4,85%/năm.
Những ngày đầu tháng 5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là nhà băng tăng lãi tiết kiệm mạnh nhất khi tăng tới 0,5%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, lên mức 3,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 4-5 tháng cũng được niêm yết ở mức 2,8%/năm sau khi tăng 0,3 điểm phần trăm.
Sacombank tăng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng, và tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng mới nhất là 4%/năm, kỳ hạn 7-8 tháng 3,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,1%/năm và kỳ hạn 10-11 tháng 3,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được Sacombank niêm yết ở mức 4,9%/năm, kỳ hạn 13 tháng 4,7%/năm.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, lần lượt CBBank, ACB và NCB, GPBank đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) đã tăng lãi suất tiết kiệm lên tới 0,35 điểm % với các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng đến 36 tháng, trong khi giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi. Đối với tiền gửi dưới 200 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng lần lượt được niêm yết ở mức 2,5% - 2,7% - 2,9%/năm.
So với biểu lãi suất dành cho tiền gửi dưới 200 triệu đồng, ACB cộng thêm 0,1 điểm phần trăm lãi suất đối với tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, cộng thêm 0,15 điểm phần trăm lãi suất cho tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, cộng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng thêm 0,2 điểm %, cho các khách hàng gửi kỳ hạn 6 - 10 tháng và 12 - 36 tháng, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,1 điểm % và giữ nguyên lãi suất tại các kỳ hạn dưới 6 tháng. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại NCB tăng lên mức 5,7%/năm, áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 24-60 tháng.
Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 6 - 36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3 điểm % trong khi giữ nguyễn lãi tiết kiệm các kỳ hạn còn lại.
Thống kê, tính từ đầu tháng 5, đã có 8 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, trước đó trong tháng 4 đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong đó OceanBank là nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
Tại báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 – 0,7 điểm %, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Dù lãi tiết kiệm liên tục giảm, “kho tiền” hơn 1 tỷ USD vẫn đóng góp lớn vào lợi nhuận của đại gia xăng dầu Petrolimex trong 3 tháng đầu năm 2024.
Nguồn: [Link nguồn]