Lộ diện những ngân hàng bị thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Theo đó có 8 ngân hàng thương mại được Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng lên kế hoạch thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Việc thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày 3/12/2021.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.
Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với nhà băng này.
Sau thanh tra, đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc NHNN báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý các sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 8 ngân hàng thương mại
Báo cáo tài chính quý 1 của nhóm ngân hàng này cũng cho thấy số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại hầu hết nhà băng đều tăng so với cuối năm 2021.
Trong đó, Techcombank có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất thị trường với hơn 101.100 tỷ đồng (bao gồm cả trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành). So với cuối năm 2021, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này đã tăng gần 22%.
Tương tự, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng như TPBank cũng tăng 21% giai đoạn này, đạt hơn 53.000 tỷ đồng; HDBank tăng 14%, đạt gần 24.800 tỷ; SHB tăng 148%, đạt hơn 17.200 tỷ; SeABank tăng 35%, đạt gần 6.200 tỷ đồng…
Trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội cũng cho biết đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,95% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản là 124.800 tỷ, tăng 29% so với cuối năm 2021, chiếm 38% tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số dư trái phiếu mục đích tăng quy mô vốn là 101.500 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm trước và chiếm gần 32% tổng số dư toàn hệ thống.
Trong thời gian gần đây, việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới 10.300 tỷ đồng đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.
Trong đó, thị trường chứng khoán đã có đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 5 khi có thời điểm chỉ số VN-Index bị xuyên thủng mốc 1.200 điểm. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn hóa doanh nghiệp đã bị thổi bay, nhiều nhà đầu tư cá nhân bị thua lỗ nặng do sử dụng margin cao.
Sau sự cố tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, Chính phủ đã ra một loạt chỉ đạo để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, minh bạch, phát triển bền vững.
Để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an điều tra, xác minh để xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, minh bạch, ổn định, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị theo dõi, giám sát diễn biến thị trường tài chính, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp; rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù chỉ số VN-Index chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp nhưng gia đình đại gia 66 tuổi này vẫn bỏ túi thêm gần 400 tỷ đồng.