Liên tục điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm ở nhiều ngân hàng lập kỷ lục mới
Với việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi tiết kiệm thời gian gần đây, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã xuống mức thấp kỷ lục mới.
Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, các ngân hàng liên tục điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo xu hướng tăng mạnh. Thậm chí có ngân hàng đã đưa mức lãi tiết kiệm lên mức 11-12%/năm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3, sau các lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi tiết kiệm cũng liên tục được các nhà băng điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Trong ngày cuối cùng của tháng 11/2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 1 tháng, Vietcombank đã hạ lãi suất tiền gửi từ 2,6%/năm xuống còn 2,4%/năm. Đây là mức thấp kỷ lục mới của kỳ hạn này tại các ngân hàng.
Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm giảm chỉ còn 2,7%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất đã được hạ xuống mức 3,7%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng lãi tiết kiệm giảm chỉ còn 4,8%/năm, mức thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này và thấp nhất trong nhóm Big 4. Kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng áp dụng lãi suất tương tự như 12 tháng.
Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Vietcombank đã 3 lần liên tiếp hạ lãi suất tiết kiệm, đưa lãi suất về thấp nhất hệ thống và thấp hơn đáng kể so với nhóm Big 4. Trước đó, Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm hôm 20/10 và 10/11.
Lãi tiết kiệm tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp kỷ lục mới
Cùng với Vietcombank, các ngân hàng khác trong nhóm Big 4 là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến 18 tháng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng được Agribank giảm 0,2%/năm xuống còn 3,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng được giảm 0,25%/năm xuống còn 3,6%/năm.
Đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6-9 tháng, Agribank điều chỉnh giảm 0,2%/năm xuống còn 4,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12-18 tháng cũng được nhà băng này giảm thêm 0,2%/năm, xuống mức 5,3%/năm.
BIDV giảm 0,1%/năm kỳ hạn từ 6-11 tháng, còn 4,5%/năm. Nhà băng này giảm 0,2%/năm tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 12-36 tháng, xuống còn 5,3%/năm. BIDV vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Hiện, lãi suất kỳ hạn 1 -2 tháng là 3,2%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,5%/năm.
Ngân hàng VietinBank cũng điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm thêm 0,2%/năm ở kỳ hạn 1-2 tháng xuống còn 3,2%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,15%/năm xuống chỉ còn 3,6%/năm. VietinBank điều chỉnh giảm 0,1%/năm các kỳ hạn 6-9 tháng, xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng được giữ nguyên 5,3%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng giữ nguyên 5,5%/năm.
Cũng từ ngày 30/11, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng giảm đáng kể với kỳ hạn 1-18 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến của MB, lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 5 tháng đồng loạt giảm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng còn 3,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 3,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,6%/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng còn 3,7%/năm.
Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng được MB điều chỉnh giảm 0,3%/năm. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng còn 4,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 9-10 tháng còn 4,9%/năm, kỳ hạn 11 tháng còn 5%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 12-15 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,2%/năm. Hiện tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 5,2%/năm, kỳ hạn 13-15 tháng lãi suất 5,3%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng được MB giảm 0,4%/năm, còn 5,7%/năm.
Theo khảo sát, đến nay, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm. Thậm chí ngân hàng ACB, ABBank đã đưa mức lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm sâu chỉ còn 4,7%/năm. Tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Hay mới nhất, Techcombank đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 5,2%.
Dù lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm thời gian gần đây, người dân vẫn có xu hướng mang tiền gửi tiết kiệm lấy lãi thay vì đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Cùng với mức tăng của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Để xử lý nợ xấu, ngân hàng Agribank chuẩn bị rao bán gần 1 triệu mét vuông đất gồm đất khu công nghiệp và đất ở riêng lẻ để xử lý khoản nợ hơn 500 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]