Lãi tiết kiệm tăng mạnh những ngày cuối năm, gửi ngân hàng nào lợi nhất?
Trong những ngày cuối năm 2021, lãi suất tiết kiệm nhiều ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, đây là tin vui với những người có tiền gửi tiết kiệm.
Nhằm thu hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân trong những ngày cuối cùng của năm 2021, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo xu hướng tăng.
Theo đó, chỉ tính từ đầu tháng 12 đến nay, GPBank đã có tới hai lần tăng lãi suất huy động. Tính chung cả hai đợt điều chỉnh, lãi suất ở nhiều kỳ hạn tại nhà băng này tăng thêm tới 0,8%/năm so với cuối tháng 11.
Những ngân hàng khác như Techcombank, OCB, DongABank, NamABank, VietBank… cũng có sự điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng nhằm thu đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khách hàng giai đoạn cuối năm.
Cụ thể, biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất của Techcombank áp dụng từ 15/12 ghi nhận mức tăng 0,25-0,4 điểm % so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn. Nếu tính riêng năm 2021, đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của nhà băng này.
NamABank cũng mới công bố biểu lãi suất huy động từ 15/12 với lãi suất cao nhất lên tới 7,4%/năm, áp dụng với kỳ hạn trên 16 tháng, tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.
Theo khảo sát, NamABank tiếp tục trả lãi suất cao nhất thị trường là 7,2% một năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng với điều kiện gửi online. Tuy nhiên, nếu gửi tại quầy, lãi suất thấp hơn tới 0,9% một năm.
Nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng mạnh trong những ngày cuối năm 2021
Ở kỳ hạn 12 tháng gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng SCB có lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,8%/năm, đứng phía sau là những cái tên như GPBank, CBBank, Kienlongbank và VietABank với lãi suất tiết kiệm từ 6,5%/năm trở lên.
Ở kỳ hạn 9 tháng (gửi tại quầy), GPBank có lãi suất huy động cao nhất là 6,6%/năm. Những ngân hàng có mức lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên có thể kể đến NCB, BacABank, VietABank, SCB và CBBank.
Ở kỳ hạn 6 tháng, có 3 ngân hàng huy động với mức lãi tiết kiệm trên 6%/năm là VietABank, CBBank và GPBank. Trong đó, GPBank tiếp tục có lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn này là 6,5%/năm.
Tại kỳ hạn 1 đến 3 tháng, những cái tên như GPBank, NamABank, PVCombank, PGBank, SCB và VietcapitalBank có lãi suất huy động cao nhất từ 3,8 đến 4%/năm. Trong đó, GPBank tiếp tục đứng đầu với lãi suất huy động 4%/năm.
Với kênh tiết kiệm online, những ngân hàng như GPBank, SCB, VietABank, PVCombank và PGBank có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng là 4/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng có sự phân hóa khi NamABank, VietABank, CBBank, SCB và GPBank có lãi suất huy động cao nhất từ 6,2 đến 6,5%/năm. Trong khi đó, ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động cao nhất thuộc về GPBank và SCB với mức huy động 6,6%/năm. Đứng ở các vị trí tiếp theo là NamABank, CBBank và NCB với lãi huy động từ 6,3 đến 6,5%/năm.
Trong khi đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm như cũ. Tất cả đều nằm trong nhóm 10 đơn vị có lãi suất huy động thấp nhất thị trường.
Hiện lãi tiền gửi dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 3-3,4%/năm; kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng phổ biến ở 4%/năm; trong khi kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,5-5,6%/năm.
Tuy lãi suất tăng đồng loạt tại nhiều ngân hàng, các chuyên gia phân tích cho rằng xu hướng này chỉ mang tính cục bộ, đặc biệt trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi vẫn đang thấp hơn so với các kênh đầu tư khác.
Số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư vẫn đang có xu hướng giảm mạnh, trung bình tăng khoảng 4% trong năm nay, thấp hơn mức 7,5% của năm 2020.
Trong khi đó, lý giải về lãi suất huy động tăng trở lại, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nguyên nhân do các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán cuối năm. Điều này phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tạm thời căng thẳng, không còn dôi dư nhiều như trước. Hơn nữa, áp lực lạm phát trong năm 2022 cao hơn và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng trở lại.
Tương tự, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng lãi suất huy động tăng gần đây là do nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân. Điều này đã tạo áp lực tăng lãi suất ngắn hạn để chuẩn bị đủ vốn cho vay. Tuy nhiên, dự báo về năm 2022, VCBS cho rằng áp lực tăng lãi suất năm 2022 là không lớn.
Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát tại nhiều địa phương, những tháng cuối năm đất ven đô Hà Nội một lần nữa...
Nguồn: [Link nguồn]