Lãi suất tiết kiệm thiết lập mức cao mới sau động thái của Ngân hàng nhà nước

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành từ ngày 23/9, mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng đã thiết lập mức cao mới.

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng lãi suất điều hành mới, trong đó có lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm. Ngay sau động thái này của Ngân hàng nhà nước, hàng loạt ngân hàng thương mại cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới theo thay đổi này.

Theo đó, ngay trong ngày 23/9, một loạt nhà băng cũng đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới. Cụ thể, ngân hàng SCB điều chỉnh lãi suất huy động tăng mạnh ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này đã tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm cho phép.

Tương tự, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất ở mức 4%/năm nay cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng.

SCB không phải ngân hàng duy nhất nhanh chân điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngắn sau quyết định của NHNN. Tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được nhà băng này điều chỉnh từ mức 3,95-4%/năm lên 4,9-5%/năm.  

Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm sau động thái của Ngân hàng nhà nước

Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm sau động thái của Ngân hàng nhà nước

Tương tự, Vietcapital Bank đầu tháng 9 vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,2%/năm và tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 3,9%/năm, từ ngày 23/9 các mức lãi suất này đã tăng lên lần lượt 0,5%/năm và 5%/năm, đều là mức cao kịch trần cơ quan quản lý cho phép.

Kienlongbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân dưới 6 tháng lên mức trần 0,5%/năm (không kỳ hạn) và 5%/năm (kỳ hạn 1-5 tháng). So với đầu tháng 9, các mức lãi suất này của Kienlongbank đã tăng 0,3 điểm % và 1 điểm %.

Ngân hàng SHB cũng thông báo mức lãi suất mới từ ngày 23/9. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã là 7,35%/năm, tăng 0,65% so với trước, dành cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.

Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm online của SHB đã tăng lên sát trần, hiện niêm yết 4,6%/năm dành cho 1-2 tháng, 4,9%/năm dành cho kỳ hạn 3 tháng -5 tháng.

Ngân hàng HDBank thì tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng lên mức kịch trần 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã được niêm yết 7,65%/năm, dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

VPBank sáng ngày 24/9 cũng thông báo tới khách hàng về biểu lãi suất huy động mới. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã tăng 0,7 điểm % lên 7,7%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ trở lên ở kỳ hạn 36 tháng.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, VPBank đang niêm yết mức 6,4-7,2%/năm, tăng 0,5-0,6%/năm. Trong đó, khách hàng gửi từ 10 tỷ trở lên sẽ có lãi suất trên 7%/năm.

Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn ngắn cũng tăng rất mạnh. VPBank niêm yết mức kịch trần 5%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng – 5 tháng với số tiền từ 10 tỷ trở lên, tăng 1%/năm so với trước khi thay đổi. Đối với số tiền nhỏ hơn, lãi suất là 4,9%/năm (từ 3 tỷ - dưới 10 tỷ), 4,8%/năm (từ 300 triệu – dưới 3 tỷ).

Từ ngày 26/9, Nam Á Bank cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới. Trong đó, lãi suất không kỳ hạn tại Nam Á Bank cũng được đẩy lên mức 0,5%/năm. Ở các kỳ hạn từ 1-5 tháng lãi suất tiết kiệm kịch trần 5%/năm. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Nam Á Bank là 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Trong khi đó, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 18 - 35 tháng hưởng lãi suất cao nhất là 6,3%/năm.

Như vậy, lãi suất cao nhất trên thị trường (dành cho các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ) đã ghi nhận mốc cao mới (7,7%/năm tại VPBank). Trước đó, trong khoảng nửa năm trở lại đây, SCB và CBBank là 2 ngân hàng có lãi suất cao nhất (7,55%/năm).

Hiện lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng là kỳ hạn 13 tháng của ABBank lên tới 8,8%/năm. Tuy nhiên, để hưởng lãi suất này, số tiền gửi tiết kiệm lên tới 1.500 tỷ đồng. Lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng của ABBank cũng là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay của nhà băng này.

Theo công ty chứng khoán VCBS, lãi suất huy động đã tăng 0,9-1,1%/năm từ đầu năm đến nay phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Tín dụng toàn nền kinh tế đến 26/8 tăng 9,91% trong khi tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4% cho thấy nhiều nhà băng đang "khát" tiền gửi. VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động cóthể tăng 1,5-2%/năm cho cả năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Rau sạch ”dởm” đội lốt hàng VietGAP: Người tiêu dùng hoang mang, chủ hệ thống siêu thị thiệt hại nghìn tỷ

Dù đã dừng nhập hàng của những nhà cung cấp rau “dởm” đội lốt hàng VietGAP, tuy nhiên sự việc này đã khiến những doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị lớn bị ảnh hưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN