Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm vì ngân hàng thừa tiền
Từ đầu năm đến nay, cung tiền vào hệ thống ngân hàng quá lớn khiến lãi suất tiết kiệm cả kỳ hạn ngắn và dài đều liên tục lao dốc.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, lãi suất huy động có xu hướng giảm trong tháng 8 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng.
Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm 0,05%; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ với vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm mạnh nhất 0,23%.
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động có xu hướng giảm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với mức giảm dao động từ 0,09% đến 0,27%.
Bảo Việt đánh giá, lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc vốn huy động tăng lên. Tính riêng tại TP.HCM, tính đến hết tháng 8, huy động vốn đạt hơn 2,66 triệu tỉ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng chiếm 87%.
Lượng tăng này chủ yếu đến từ tiền gửi thanh toán của tổ chức dân cư (tăng 6,27%) và phát hành giấy tờ có giá (tăng 19,44%) so với cuối năm ngoái.
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong tháng 8, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm từ 0,2-0,4% ở các kỳ hạn ngắn và 0-0,2% ở các kỳ hạn dài. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 0,5%-2,1% ở tất cả các kỳ hạn.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần đầu tháng 9, phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, và 4,2-6,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5,0-6,7%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
"Tính đến 26-8, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với cuối năm 2019 trong khi tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất đã giảm sâu. Chênh lệch huy động và tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng nên lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới", SSI cho biết.
Singapore đã trở thành một trong 4 "con hổ" Châu Á khi thương mại thúc đẩy tăng trưởng mạnh từ thập niên 1960.
Nguồn: [Link nguồn]