Lãi suất ngân hàng giảm sâu, người dân loay hoay chọn kênh đầu tư sinh lời
Trước việc lãi suất huy động của nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm sâu chưa từng có, những người có tiền nhàn rỗi đang loay hoay chọn kênh đầu tư sinh lời. Do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng thời điểm hiện tại, việc lựa chọn kênh đầu tư nào hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi cá nhân.
Lãi suất ngân hàng huy động giảm sâu chưa từng có
Sau quyết định giảm trần lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 9, nhiều ngân hàng đã dồn dập cắt giảm lãi suất huy động, thậm chí có nhà băng đã điều chỉnh giảm 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Theo khảo sát đã có 3 trong số 4 ngân hàng lớn có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, đặc biệt điều chỉnh giảm mạnh với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo biểu lãi suất mới của VietinBank, khách hàng chỉ còn nhận được lãi suất 3,3%/năm với kỳ hạn từ 1-2 tháng; ở kỳ hạn gửi dưới tháng 6, lãi suất cao nhất đang áp dụng cũng chỉ 3,6%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng còn 5,8%/năm, các mức lãi suất này giảm 0,2% so với biểu lãi suất trước đó.
Hàng loạt ngân hàng đồng loạt cắt giảm lãi suất huy động nhằm đưa tiền nhàn rỗi của người dân vào nền kinh tế
Ngân hàng Vietcombank cũng giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động so với tháng 9. Hiện lãi suất gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng hiện chỉ còn 4%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5,8%/năm. Mức lãi suất cao nhất Vietcombank trả cho khách gửi tiết kiệm là 5,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng.
BIDV cũng giảm mạnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2% xuống 3,3%/năm; giảm mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng, giảm 0,3% về mức 4,2%/năm. Với đợt điều chỉnh lãi suất này thì cả VietinBank, Vietcombank và BIDV đều đã đưa mức lãi cao nhất khi gửi tại quầy về dưới 6%. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm những ngân hàng nhóm "big 4" hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một năm xuống dưới 6%.
Cùng với sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ông lớn, nhiều ngân hàng thương mại cũng nhập cuộc đua hạ lãi suất huy động VNĐ. Thậm chí ngân hàng VPBank và Sacombank đã thay đổi biểu lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Từ ngày 8/10, VPBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, với những khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng, kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất huy động chỉ còn 3,25%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng còn 5,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng, chỉ được trả từ 5,3-5,7% và kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 5,4%/năm, giảm tới 0,4%. Mức lãi suất cao nhất của VPBank cũng chỉ còn 6,1%/năm với điều kiện khách gửi số tiền trên 50 tỷ đồng trong 24 tháng.
Sacombank giảm sâu lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức 0,2- 0,5%. Với kỳ hạn một năm, lãi suất giảm sâu từ 6,5% xuống 6%. Là ngân hàng từng có mức lãi huy động cao, SHB cũng đã giảm lãi suất xuống 3,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng; 3 tháng từ 3,6-3,7%/năm; 6 tháng 5,6%/năm.
Trước đó, làn sóng giảm lãi suất huy động cũng diễn ra mạnh kể từ đầu tháng 9 đến nay. Hàng loạt ngân hàng như HDBank, Techcombank, ACB, NamABank… giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thậm chí chỉ còn 2,5%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Người dân loay hoay chọn kênh đầu tư sinh lời
Trước việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây khiến nhiều người dân đang loay hoay chọn kênh đầu tư sinh lời. Bà Thanh Trúc 60 tuổi (Lạng Sơn) đang ở với con gái tại Hà Đông – Hà Nội cho hay chứng kiến lãi suất liên tục hạ, số tiền lãi nhận được từ khoản tiền gửi ngân hàng một tỷ đồng cứ giảm dần bản thân cũng xót. Hiện bà gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất chưa đầy 4%/năm. Bà cho biết "nhiều lúc rất muốn rút ra, nhưng tôi lớn tuổi rồi không biết kênh nào sẽ an toàn và sinh lời hơn nên lại thôi".
Bà Trúc cũng thừa nhận, không chỉ bản thân mà hiện rất nhiều người trong độ tuổi của mình hay những người dân ở các vùng quê do không có nhiều kiến thức, thông tin biến động của thị trường nên rất ngại đầu tư vào những kênh rủi ro, do đó gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn hàng dầu.
Nhiều người trẻ chọn đầu tư vào BĐS trong thời điểm lãi suất huy động ngân hàng xuống thấp
Trong khi đó, ở nhóm những người trẻ thì vàng, BĐS và chứng khoán trở thành lựa chọn đầu tư của nhiều người. Anh Thành Đức - một nhân viên văn phòng đang làm việc tại Bình Dương cho biết thời gian gần đây bản thân thường tranh thủ dịp cuối tuần để lùng mua đất tại các khu dân cư và khu đô thị mới gần nơi mình sinh sống. Theo anh, thời điểm dịch bệnh vừa qua, nhiều người gặp khó về kinh tế nên có thể chấp nhận bán đất với giá rẻ hơn mặt bằng chung.
Còn chị Thúy Anh – một phiên dịch viên tại TP HCM chia sẻ đã dành một phần tiền tiết kiệm để tham gia vào thị trường vàng và chứng khoán. Chị cho biết do mới tham gia và chưa có nhiều kinh nghiệm nên chỉ dám đầu tư 50 triệu đồng vào chứng khoán để biết cảm giác hồi hộp trước mỗi quyết định mua - bán cổ phiếu.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) số nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm. Trong tháng 9/2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.418 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước đó. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 253.000 tài khoản, nhiều hơn 64.000 tài khoản so với cả năm 2019 (gần 189.000 tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) lên tới gần 225.000 tài khoản.
Sự nhập cuộc của các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là "nhà đầu tư F0" đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên sôi động và hồi phục mạnh từ vùng 650 điểm vào cuối tháng 3 và lên trên mức 920 điểm như hiện nay.
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, xét riêng 5 kênh đầu tư phổ biến hiện nay là gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại tệ, không có kênh nào bền vững và mang lại lợi nhuận cao ở thời điểm hiện tại và mỗi kênh đều có ưu nhược điểm riêng.
Xét về độ an toàn, các chuyên gia kinh tế cùng có chung quan điểm kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn cao nhất, nhưng kênh có khả năng sinh lời lúc này có thể là kênh chứng khoán hoặc BĐS. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng điều quan trọng nhất vẫn là tuỳ khẩu vị chịu rủi ro của mỗi nhà đầu tư mà có sự cân nhắc và lựa chọn kênh phù hợp cho riêng mình ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng tham gia điều hành và sở hữu những doanh nghiệp nghìn tỷ, những cặp vợ chồng doanh nhân dưới đây đang nắm giữ...