Lãi suất huy động lên 8,3%/năm, người dân mang hàng trăm nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm
Với việc lãi suất tiết kiệm được các nhà băng liên tục tăng trong thời gian gần đây, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi đã được người dân đem gửi tiết kiệm.
Trước biến động mạnh của thị trường chứng khoán, vàng và BĐS trong thời gian qua khiến các nhà đầu tư ngày càng thận trọng với số tiền tích cóp được của mình.
Trái ngược với sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán, vàng, BĐS, kênh lãi suất tiết kiệm ngày càng hút dòng tiền khi khi mức lãi suất huy động trên 6,5-7%/năm ngày càng được nhiều nhà băng áp dụng. Theo đó, kênh lãi suất tiết kiệm ngân hàng đang được người dân quan tâm nhiều hơn.
Dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, lãi suất huy động trong quý 1/2022 tăng trung bình 0,03 điểm % so với quý 4/2021. Trong đó, lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại Techcombank (0,29 điểm %), VPBank (0,19 điểm %) và TPBank (0,14 điểm %).
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan trong quý 1/2022. Cụ thể, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ đồng, tương đương tăng 3,28%. Mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng gần 219.500 tỷ lên hơn 5,86 triệu tỷ, tương đương 3,89%.
Dòng tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng thời gian gần đây
Chứng khoán BSC nhận định, tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục trong năm 2021 là do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu và bất động sản thu hút hơn với khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất huy động tăng trở lại và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.
Báo cáo tài chính quý 1/2022 của các nhà băng cũng cho thấy số dư tiền gửi tại nhiều ngân hàng tăng trưởng rất mạnh, một số nhà băng còn có mức tăng bằng cả năm 2021 như VPBank (13,4%), HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%), Sacombank (7,1%),…
Tại báo cáo phát hành mới đây, nhóm nghiên cứu của BIDV và ADB cho rằng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 3% (cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,7%) do kênh tiền gửi đã hấp dẫn hơn so với năm 2021. Nhóm nghiên cứu đánh giá, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tốt hơn, và dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm đã tăng nhẹ 0,25-0,5 điểm % so với cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia, kênh tiết kiệm được đánh giá sẽ tiếp tục hút dòng tiền khi trong tháng 5, đã có nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động, theo đó, lãi suất cao nhất trên thị trường ghi nhận mốc cao mới lên tới 8,3% cho kỳ hạn 13 tháng tại ABBank.
Tại SCB, ngân hàng có lãi suất cao nhất là 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online và không yêu cầu số tiền gửi lớn, tăng 0,2 điểm % so với trước.
Ngoài ABBank và SCB, hàng loạt ngân hàng khác đã nâng lãi suất lên trên 7%/năm như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank,…Ở nhóm ngân hàng lớn, VPBank, Sacombank, SHB cũng có lãi suất xấp xỉ 7%/năm.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến 25/4/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75%, huy động vốn tăng 3,35%. Chênh lệch đáng kể giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn sẽ khiến các ngân hàng phải tăng cường thu hút tiền gửi nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là tăng nguồn vốn giá rẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng cao hậu Covid-19 cũng như áp lực lạm phát trên toàn cầu, lãi suất huy động sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ trong một thời gian ngắn, loạt ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đã thành lập những doanh nghiệp riêng để lấn sân vào lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bất động sản với số vốn...