Khó cho vay, lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh
Việc các ngân hàng “thừa tiền” do khó cho vay thời gian qua khiến lợi nhuận nhiều nhà băng trong quý 3/2023 ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ.
Trong một cuộc họp bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tổ chức vào tháng 9 vừa qua Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cụ thể, số liệu NHNN cho thấy, đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà cơ quan quản lý định hướng cho năm nay là 14%, tính ra, 4 tháng còn lại, tín dụng toàn hệ thống còn dư địa tăng trưởng về mặt số học rất rộng, khoảng 9%, tương đương khoảng một triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 7/2023 đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng - mức cao kỷ lục, tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% so với cuối năm 2022.
Việc các ngân hàng gặp khó trong việc đưa tiền gửi tiết kiệm của người dân vào nền kinh tế đã khiến lợi nhuận trong quý 3/2023 của nhiều nhà băng giảm mạnh.
Theo đó, báo cáo tài chính quý 3 mới công bố của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận quý giảm thứ tư liên tiếp. Ba tháng gần nhất, nhà băng này có lãi trước thuế hợp nhất chỉ hơn 3.100 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý 1, quý 2/2023, lợi nhuận VPBank đã có sự hồi phục nhẹ trong quý 3.
Lợi nhuận của VPBank trong quý 3 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022
Ảnh hưởng lớn nhất trên báo cáo hợp nhất là thu từ hoạt động tín dụng và hoạt động khác. Thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank ghi nhận hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 15%, còn lợi nhuận khác chỉ ghi nhận gần 500 tỷ, so với mức hơn 1.200 tỷ đồng trong quý 3 năm trước.
Trong 3 tháng gần nhất, VPBank có tăng trưởng khá mạnh về cho vay và huy động tiền gửi, đều cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung toàn ngành. Cụ thể, dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ đến cuối quý 3/2023 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9%.
Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.
Tính tới cuối quý 3, quy mô nợ xấu nhóm 3-5 trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng mẹ VPBank là gần 4%. So với qúy 2, quy mô nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, với gần 2.000 tỷ đồng. Xét trên số liệu hợp nhất, quy mô nợ nhóm 3-5 của ngân hàng ở mức 5,7%. Nhà băng này ghi nhận mức trích dự phòng rủi ro hơn 2.700 tỷ đồng trong quý 3, tăng hơn 50%.
Trong khi đó, lợi nhuận của Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) cũng ghi nhận mức giảm mạnh trong quý 3/2023. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 của PG Bank là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Tất cả các mảng kinh doanh bao gồm: thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán của PG Bank đều ghi nhận lãi quý 3 sụt giảm so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.
Cuối tháng 9, tổng tài sản PG Bank đạt 47.832 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,9%, đạt 30.485 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 9,1%, đạt 34.098 tỷ đồng. Nợ xấu cuối tháng 9/2023 của PG Bank là 796 tỷ đồng, tăng 51 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý 3.
Là ngân hàng công bố báo cáo tài chính đầu tiên, Ngân hàng Bắc Á ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3 chỉ hơn 77 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ năm trước. Trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối, các mảng khác của Bắc Á đều sụt giảm. Trong đó, "nồi cơm" chính là hoạt động tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ hơn 420 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với quý 3/2022.
Đà giảm trong quý 3 cũng khiến kết quả kinh doanh 9 tháng của Bắc Á chậm lại. Lợi nhuận trước thuế từ đầu năm của nhà băng này ghi nhận hơn 550 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng giai đoạn năm trước.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản Bắc Á đạt 145 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 98,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với quý 2 và tăng 4,8% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt gần 114,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm.
Nợ xấu tại Bắc Á cuối tháng 9/2023 là 762 tỷ đồng, tăng 83 tỷ so với cuối quý 2. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý 2 và 0,77% cuối quý 3/2023. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục sụt giảm, từ 204% hồi đầu năm xuống 158% (cuối quý 2/2023) và xuống tiếp 144% (cuối quý 3/2023).
Nguồn: [Link nguồn]
Đà giảm mạnh của cổ phiếu trong những phút cuối phiên giao dịch khiến khối tài sản của đại gia người Hưng Yên này ghi nhận mức giảm gần 500 tỷ đồng.