Hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Cùng với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhiều ngân hàng cũng tung ra những gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch. Tổng kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ thứ hai được tung ra sau một năm rưỡi Việt Nam đối mặt với bốn làn sóng Covid-19 khiến hàng triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng tung ra những gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể vay vốn để vượt qua những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo đó, Ngân hàng Agribank tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, quy mô cho vay bằng VND là 95.000 tỷ đồng, cho vay bằng USD (quy đổi) là 5.000 tỷ đồng.
Tùy theo đối tượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất VND giảm còn 4,5% một năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5% một năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, tương đương thấp hơn từ 2% - 2,5% lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng.
Mức lãi suất cho vay bằng USD với ưu đãi 2%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Hệ thống ngân hàng có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn để vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19
Cùng với chương trình, Agribank vẫn đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác với quy mô hơn 70.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng lớn và doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, từ ngày 01/07/2021, khách hàng cá nhân và pháp nhân vay vốn để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu có thể vay vốn ngắn hạn tại Agribank với mức lãi suất thấp nhất từ 1,7%/năm đối với khoản vay USD và 3,5%/năm đối với khoản vay VND, tùy theo từng kỳ hạn vay. Tổng hạn mức tín dụng của chương trình lên tới 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất, nhập khẩu. Mức lãi suất mà BIDV áp dụng là 3,8% và 6,5%/năm cho kỳ hạn 3-9 tháng…
Trong khi đó, để đồng hành cùng khách hàng thực hiện ước mơ sở hữu nhà, xe, tiêu dùng và chia sẻ khó khăn với khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn trong kinh doanh, BIDV giảm sâu lãi suất gói vay vốn trung dài hạn mới 2021 quy mô 50.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Sacombank cũng triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đối tượng khách hàng của nguồn vốn này là doanh nghiệp có quy mô từ siêu nhỏ đến lớn.
Cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão Covid-19, tháng 5 vừa qua, Ngân Hàng TMCP Bắc Á công bố gói ưu đãi với hạn mức tín dụng tới 3.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất cho vay chỉ 7,5%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng; 7,7%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng tung ra gói giải pháp tín dụng toàn diện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi/cạnh tranh chỉ từ 6%/năm với VND và từ 3.0%/năm với USD. Không chỉ có lãi suất vay siêu ưu đãi, khách hàng còn có thể được tài trợ vốn không tài sản bảo đảm lên tới 90% giá trị hợp đồng/LC xuất khẩu.
Mới đây, HDBank đã giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất thấp nhất chỉ 3%/năm dành cho các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên đến 3 tỷ đồng, ân hạn vốn gốc 6 tháng.
Vietbank cũng triển khai nhiều gói ưu đãi với lãi suất cho vay chỉ 6,5%/năm. Nếu để giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh thì lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm, ... Tổng hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng dành cho gói ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng cho gói trung, dài hạn.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Từng tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ...
Nguồn: [Link nguồn]
Theo đó, hãng bay của nữ tỷ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo đang lên kế hoạch huy động thêm cả chục nghìn tỷ...