Có 100 triệu gửi tiết kiệm ngân hàng nào hưởng lãi cao nhất trong tháng cuối của năm 2021?
Trong tháng cuối cùng của năm 2021, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm.
Theo khảo sát, trong tháng cuối cùng của năm 2021, ngân hàng VPBank đã tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tới 0,4-0,8%/năm. Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi chỉ từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất cao nhất là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.
GPBank cũng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm thêm 0,5% ở nhiều kỳ hạn trong biểu lãi suất mới áp dụng từ đầu tháng 12/2021. Hiện lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, trong khi trước đó chỉ là 6%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 36 tháng lãi suất của GPBank cũng tăng 0,5 điểm phần trăm lên 6,4%/năm. Các kỳ hạn ngắn cũng tăng mạnh: kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 6,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 5,75%/năm lên 6,3%/năm.
Tiết kiệm ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn
Ngân hàng Eximbank cũng tăng lãi suất thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Đối với hình thức gửi online, lãi suất cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với gửi tại quầy, cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.
Tương tự ngân hàng Kienlongbank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm khoảng 0,16-0,26% ở một số kỳ hạn.
Dù một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng cuối cùng của năm 2021, tuy nhiên theo khảo sát thì lãi suất huy động cao nhất ở các kỳ hạn vẫn dao động quanh 6 đến 7,1%/năm.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) đang có lãi suất cao nhất là 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng. Theo đó, với 100 triệu đồng gửi lãi suất kỳ tiết kiệm kỳ hạn này, khách hàng có thể thu được thêm từ 14 đến 21 triệu đồng.
Thấp hơn một chút thì có SCB đang áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất 6,8% khi gửi kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng này, khách hàng sẽ thu được mức lãi tương đương từ 6,8 triệu đồng (kỳ hạn 12 tháng) đến 20,4 triệu đồng (kỳ hạn 36 tháng).
Mức lãi suất huy động 6,7%/năm đang được các ngân hàng như BacABank, CBBank, Kienlongbank,…. áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm những nhà băng này với kỳ hạn 12 tháng trở lên, khách hàng có thể thu được số tiền lãi từ 6,7 triệu đồng (kỳ hạn 12 tháng), 13,4 triệu đồng cho kỳ hạn 24 tháng và 20,1 triệu đồng cho kỳ hạn 36 tháng.
Trong khi đó, đa số ngân hàng đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng đến 36 tháng từ 6,0-6,2%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng lớn thì chỉ từ 5,5-5,6%/năm.
Cụ thể, khi gửi ở quầy, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, trong đó Agribank và BIDV áp dụng cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên, trong khi Vietcombank chỉ áp dụng cho kỳ hạn 1 năm. Vietinbank nhỉnh hơn một chút với 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm các ngân hàng này với kỳ hạn 1 năm, khách hàng chỉ thu được số tiền tương đương từ 5,5 triệu đến 5,6 triệu đồng tiền lãi.
Với kỳ hạn 1 đến 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất đang thuộc về GPBank với lãi suất 4%/năm. Tương đương, với số tiền gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, khách hàng có thể thu được 333.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền lãi.
Ở kỳ hạn 6 tháng, CBBank đang là nhà băng có lãi suất huy động cao nhất là 6,25%/năm, trong đó lãi suất huy động thấp nhất thuộc về Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank với lãi suất huy động chỉ 4%/năm. Tương đương, với số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, khách hàng có thể nhận được từ 2 đến 3,1 triệu đồng tiền lãi.
Tại kỳ hạn 9 tháng, CBBank tiếp tục dẫn đầu về lãi suất huy động là 6,35%/năm. Trong khi đó, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank tiếp tục có mức lãi suất huy động thấp nhất chỉ 4%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất trên 6%/năm được nhiều ngân hàng như Bắc Á, GPBank, NCB, SCB áp dụng. Phần lớn các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất từ 5 đến 5,9% cho kỳ hạn này. Với số tiền 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng, số tiền lãi khách hàng thu được từ 3 đến gần 4,8 triệu đồng.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến (online), lãi suất sẽ cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm tại quầy, mức cộng thêm phổ biến là 0,1-0,3%/năm nhưng cũng có nơi cộng thêm tới 0,5-0,6%/năm.
Nam Á Bank có lãi suất huy động tiết kiệm online cao nhất ở nhiều kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên
Nam Á Bank là ngân hàng có lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm online là 7,1%/năm. Theo đó, khách hàng gửi tiền thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng sẽ có lãi suất 7,1%/năm. Với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ thu được từ 10,65 triệu đồng (18 tháng) đến 21,3 triệu đồng cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng cũng được ngân hàng này niêm ở mức cao của thị trường là 6,9%/năm.
SCB và PVComBank có lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất gần 7%/năm. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 18 tháng tại SCB thông qua hình thức trực tuyến sẽ có lãi suất 6,95%/năm. Còn tại PVComBank, khách hàng gửi kỳ hạn 18 tháng có lãi suất 6,95%.
Tiếp theo là mức 6,8%-6,85%/năm, đang là mức lãi suất cao nhất tại Bắc Á, CBBank, Kienlongbank….
Ở các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tháng, GPBank, PVcomBank, SCB, VPBank đang có mức lãi suất huy động cao nhất là 4%/năm. Tương đương với 100 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi từ 333.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Ngân hàng SCB có lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng và 9 cao nhất là 6,45%/năm và 6,6%/năm. Trong khi đó, mức lãi suất huy động thấp nhất kỳ hạn này đang là 3,5 và 4%/năm. Với số tiền 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 và 9 tháng, số tiền lãi khách hàng thu được cao nhất lần lượt là 3,2 triệu đồng và 4,95 triệu đồng.
Trước việc lãi suất huy động đang được ngân hàng niêm yết quanh mức 5 – 7%/năm nên trong thời gian qua, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng đã phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các hình thức đầu tư như chứng khoán, trái phiếu, BĐS,... Nhiều người dân có xu hướng rút bớt tiền tiết kiệm vì lãi suất xuống thấp để đầu tư vào các kênh này nhằm kiếm lời cao hơn. Mặc dù vậy, gửi tiền tiết kiệm vẫn còn được nhiều người ưa chuộng và là một phần không thể thiếu khi phân bổ tài chính vì tính an toàn, ổn định.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi tăng vốn điều lệ lên hơn 3 nghìn tỷ đồng, đại gia môi giới BĐS này cũng chi hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án...