Chủ "siêu dự án" trăm triệu USD đắp chiếu bị loạt ngân hàng rao bán là ai?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong nỗ lực thanh lý tài sản để thu hồi nợ, cả BIDV và MSB đều đang rao bán tài sản đảm bảo là "siêu dự án" Kenton Node ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.

Ngân hàng BIDV và MSB cùng rao bán khoản nợ nghìn tỷ chủ dự án Kenton Node

Theo đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần thứ 8 thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên - chủ dự án Kenton Node (Công ty Tài Nguyên). Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng (tên thương mại Kenton Node) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và quyền khai thác mỏ đá tại xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Theo BIDV, khoản nợ gồm toàn bộ dư nợ gốc và lãi, phí phát sinh đến 26/7 là hơn 5.720 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 2.506 tỷ đồng và dư nợ lãi là hơn 3.214 tỷ đồng. Tại lần đấu giá này, BIDV đưa ra mức khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.419 tỷ đồng. So với lần rao bán đầu tiên, giá khởi điểm đã giảm khoảng 1.300 tỷ đồng.

Dự án Kenton Node trước đây có tên gọi là Kenton Residences, khởi công vào năm 2009. Khi đó, dự án có thiết kế gồm 3 phân khu gồm có 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm hơn 20.000 m2 tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.

Dự án Kenton Node từng được Novaland tiếp nhận vào đầu năm 2022

Dự án Kenton Node từng được Novaland tiếp nhận vào đầu năm 2022

Dự án có thời gian dài đóng băng vì khó khăn tài chính, sau đó tái khởi động với tên gọi mới là Kenton Node Hotel Complex. Chủ đầu tư từng cho biết dự án có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế...

Đến đầu năm 2022, Novaland tiếp nhận Kenton Note trong vai trò nhà phát triển dự án, dự kiến thay đổi tên thành Grand Sentosa. Tuy nhiên, cuối năm đó chủ đầu tư này rơi vào khó khăn và dự án một lần nữa lại đắp chiếu.

Ngoài BIDV, dự án Kenton Node còn được đồng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank).

Cùng với BIDV, ngân hàng MSB cũng đang chào bán khoản nợ của Công ty Tài Nguyên được thế chấp bằng dự án Kenton Node. Tài sản đảm bảo rao bán của MSB còn có 11.330.000 cổ phiếu Công ty CP Xây dựng sản xuất thương mại Hà Tây; và 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node.

Đến ngày 6/11, tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên tại MSB là hơn 1.140 tỷ đồng, gồm 296 tỷ nợ gốc và lãi, lãi phạt hơn 845 tỷ. Trong lần rao bán này, MSB đưa ra mức giá khởi điểm bằng với dư nợ gốc và lãi của doanh nghiệp.

Chủ "siêu dự án" Kenton Node là ai, có nguồn vốn thế nào?

Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên - chủ dự án Kenton Node được thành lập tháng 3/1996. Thời gian qua công ty đã có nhiều lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Ở lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 4/2022, công ty có vốn điều lệ 1.950 tỷ đồng do 2 cổ đông góp vốn là Công ty cổ phần phát triển BĐS tài Nguyên góp 1.946,5 tỷ đồng, tương đương 99,82% vốn góp và cổ đông Hoàng Văn Luân góp 3,5 tỷ đồng, tương đương 0,18% vốn góp. Ở lần thay đổi này, ông Vũ Anh Tâm sinh năm 1959 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật.

Trong khi đó, Công ty cổ phần phát triển BĐS Tài Nguyên có tiền thân là công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh BĐS Gia Quý thành lập tháng 7/2016 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng gồm 3 cổ đông góp vốn là Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia góp 60 tỷ đồng, tương đương 30% vốn góp; cổ đông Lâm Quý góp 80 tỷ đồng, tương đương 40% vốn góp và cổ đông Võ Văn Lộc góp 30 tỷ đồng, tương đương 30% vốn góp. Trong ngày đầu thành lập, ông Lâm Quý, sinh năm 1965 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ở lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp gần nhất vào cuối tháng 1/2019, Công ty cổ phần phát triển BĐS Tài Nguyên tăng mạnh vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 1.646,5 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp của các cổ đông không được tiết lộ. Ông Lâm Quý vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Đến lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vào tháng 2/2022, ông Vũ Anh Tâm được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Về phía Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia, cổ đông lớn của Công ty cổ phần phát triển BĐS tài Nguyên được thành lập tháng 2/2001. Ở lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 11/2024, Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia có vốn điều lệ 225 tỷ đồng do 4 cá nhân góp vốn.

Trong đó, cổ đông Cao Hoàng Lân góp 2,25 tỷ đồng, tương đương 1% vốn góp, cổ đông Lâm Quý góp 33,75 tỷ đồng tương đương 15% vốn góp, cổ đông Võ Văn Lộc góp 166,5 tỷ đồng tương đương 74% vốn góp và cổ đông Võ Trí Cường góp 22,5 tỷ dồng, tương đương 10% vốn góp. Ông Lâm Quý giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước khi được phê duyệt phương án kiến trúc, được biết chủ siêu dự án 900 triệu USD ở Thủ Thiêm đã đầu tư cả tỷ USD vào Việt Nam trong những năm qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN