Chiều khách, ngân hàng lớn đua nhau miễn phí dịch vụ
Chỉ trong vài ngày, hàng loạt ngân hàng lớn thông báo miễn nhiều khoản phí dịch vụ. Động thái của các ngân hàng lớn là thách thức với những ngân hàng nhỏ hơn trong cuộc đua thị phần ngân hàng số.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) cho biết từ ngày 1/1/2022 sẽ áp dụng mức thu phí 0 đồng với tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng qua VietinBank iPay từ năm 2022; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không thu phí duy trì dịch vụ iPay, không thu phí duy trì dịch vụ thông báo biến động thông tin tài khoản qua OTT và miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế.
Khách hàng hưởng lợi khi các ngân hàng lớn bước vào cuộc đua miễn phí dịch vụ
Động thái miễn phí dịch vụ trên kênh ngân hàng số của VietinBank đưa ra sau khi hai ông lớn là Vietcombank và BIDV thông báo miễn toàn bộ phí giao dịch trên kênh ngân hàng số từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, VietinBank là nhà băng duy nhất áp dụng cả chính sách miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế mới cho các khách hàng.
Trước đó, giữa tháng 5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã miễn phí chuyển tiền trực tuyến cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số.
Như vậy cả 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân. Đây là điều bất ngờ với giới trong ngành, trước đó chiến lược "zero fee" chỉ được các ngân hàng thương mại tư nhân thực hiện những năm gần đây như Techcombank, VIB, TPBank, MSB…
Với sự nhập cuộc của nhóm các ông lớn quốc doanh chiếm thị phần lớn nhất thị trường, theo đánh giá của giới ngân hàng, có thể khơi mào cho cuộc chiến "zero fee" với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong cuộc đua này, người dùng sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Trong khi đó, với các nhà băng, mục tiêu chính của chiến lược này là hy sinh nguồn thu từ phí dịch vụ nhưng thu hút được nguồn tiền gửi thanh toán của khách hàng. Đây chính là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất dao động chỉ 0,1-0,2%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, việc có được nguồn tiền lãi suất thấp này giúp các ngân hàng có chi phí vốn rẻ hơn so với mặt bằng chung, từ đó ghi nhận mức thu nhập lãi thuần cao hơn.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III năm nay, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận hơn 110,9 triệu tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân với số dư gần 800.000 tỷ đồng.
Số dư tiền này đã tăng liên tục 6 quý gần nhất và tăng gần 227.700 tỷ trong vòng một năm qua. Đây chính là “chiếc bánh” lãi suất thấp mà các ngân hàng đang cạnh tranh nhau với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng.
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao nhất hệ thống là như Techcombank, TPBank, MSB, MBBank… Động thái miễn phí dịch vụ trên kênh ngân hàng số của VietinBank, Vietcombank và BIDV được giới chuyên gia tài chính đánh giá là muốn chia lại miếng bánh thị phần của gần 800.000 tỷ đồng khách hàng đang để trong tài khoản ngân hàng.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán năm 2022, tổng tài sản của 6 tỷ phú USD Việt Nam ghi nhận...