Cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Sự kiện: Ngân hàng

Ở một số tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định.

Mới đây, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo đó, qua quá trình thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

NHNN cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Ảnh minh họa.

NHNN cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Ảnh minh họa.

Thực tế, nhiều năm qua việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng không hề khó, thậm chí ở nhiều nhà băng, nhân viên ngân hàng còn chủ động đề nghị người gửi tiền cầm cố sổ tiết kiệm để vay. Ví dụ như hiện nay, nếu có khoản tiền muốn gửi, khách hàng cứ đến bất cứ điểm giao dịch nào của ngân hàng V. cũng sẽ dễ dàng được nhân viên nhà băng này tư vấn gửi kỳ hạn dài để lấy lãi cao nhất có thể. Theo nhân viên nhà băng này, nếu chẳng may có việc cần dùng đến tiền trong thời gian sổ tiết kiệm chưa đến hạn tất toán thì cầm cố sổ đó để vay, khoản chênh lệch lãi suất chỉ trên dưới 2%, tính ra thì vẫn có lợi hơn rất nhiều so với phải rút sổ tiết kiệm mà chịu lãi không kỳ hạn.

Ở một số ngân hàng, việc cầm cố sổ tiết kiệm còn cho khách hàng sử dụng online một cách dễ dàng dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến việc khách hàng sẽ sử dụng số tiền vay đó để làm gì.

Để ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không được thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Vì sao lại siết cầm cố sổ tiết kiệm?

Việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay cầm cố sổ tiết kiệm có thể ảnh hưởng đến huy động vốn trung - dài hạn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Đậu ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN