Cận Tết, ngân hàng lại cảnh báo khách hàng tránh sập bẫy

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, một số ngân hàng Việt đã gửi thông báo đến khách hàng thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin cùng các khuyến cáo đi kèm.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến.

Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, một số ngân hàng thương mại đã gửi thông báo đến khách hàng một số thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin cùng các khuyến cáo đi kèm.

Theo khuyến cáo của ngân hàng, đối tượng lừa đảo thường tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản.

Cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ thông báo trúng thưởng hoặc giả danh cán bộ ngân hàng,...

Cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ thông báo trúng thưởng hoặc giả danh cán bộ ngân hàng,...

Mất cảnh giác là mất thông tin cá nhân

Một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến bao gồm:

Thứ nhất, đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo (có giao diện giống hệt website bị giả mạo) và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP);

Thứ hai, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ;

Thứ ba, đối tượng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng.

Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. 

Đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp.

Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.

Trong những trường hợp này, các ngân hàng đều khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức.

Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Lừa đảo tự chuyển tiền

Các đối tượng lừa đảo dùng mọi thủ đoạn lừa đảo tự chuyển tiền, nếu không cảnh giác cao độ, khách hàng có thể sẽ bị sập bẫy.

Một số hình thức lừa đảo tự chuyển tiền phổ biến hiện nay gồm:

Thứ nhất, đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.

Thứ hai, đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra.

Thứ ba, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng.

Các ngân hàng đều khuyến cáo khách hàng khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo đối với giao dịch ngân hàng, hãy tạm thời khóa hoặc đổi mật khẩu dịch vụ, đồng thời liên hệ ngay với Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng theo số hotline của ngân hàng, hoặc điểm giao dịch gần nhất  để được hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

2 phút, 18 giao dịch và 460 triệu đồng bị “ngân hàng” giả mạo VPB lừa đảo

Chỉ trong vòng 2 phút, chị M. đã bị kẻ gian giả mạo nhân viên ngân hàng VPB lừa hơn 460 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN