Cam kết giảm lãi hơn 20 nghìn tỉ đồng, các ngân hàng đã thực hiện được bao nhiêu?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện các ngân hàng đã giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp với số tiền gần 9.000 tỉ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đề xuất trước đó.

Cụ thể, 16 nhà băng gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MBBank, LienVietPostBank, TPBank, VIB, ACB, SeABank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank với 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã cam kết giảm số tiền lãi cho khách hàng vào khoảng 20.613 tỉ đồng.

Theo NHNN, tính từ 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng đã giảm tổng cộng 8.865 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng, tương đương hơn 43% số tiền cam kết giảm.

Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng đã thực hiện cao nhất lên tới 4.726 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỉ đồng cho trên 3 triệu khách hàng.

Agribank dẫn đầu trong việc hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19

Agribank dẫn đầu trong việc hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19

Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.032 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 910.556 tỉ đồng cho gần 304.765 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 857 tỉ đồng đứng thứ 3 trong danh sách những nhà băng đã mạnh tay giảm tiền lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 701.322 tỉ đồng cho 302.977 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cũng đã giảm cho khách hàng của mình tổng số tiền 943 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 725.167 tỉ đồng cho 238.865 khách hàng.

Ngân hàng TMCP Quân đội cũng đã thực hiện giảm số tiền lãi cho khách hàng là 550 tỉ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 93.613 tỉ đồng cho 103.978 khách hàng.

Ngoài ra, Techcombank giảm 155 tỉ với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 49.400 tỉ; VPBank giảm 137 tỉ đồng thông qua 125.700 tỉ dư nợ; SHB giảm 126 tỉ đồng thông qua 77.900 tỉ dư nợ… Các ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ hơn cũng đã giảm cho khách hàng của mình từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng.

Như vậy, đến cuối tháng 8, đã có tổng cộng gần 4 triệu tỉ đồng dư nợ tại 16 ngân hàng được giảm lãi suất cho vay theo cam kết. Cùng với đó, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.

Dù 16 ngân hàng đã giảm tổng cộng 8.865 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động lớn tới hoạt động kinh doanh, sản xuất khi nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ lại.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 9/2021 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%.

Trong khi đó, cũng trong tháng 9, có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.509 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 606 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.

Trong đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" mới được tổ chức ông Nguyễn Quốc Kỳ Chủ tịch của Vietravel đã so sánh doanh nghiệp với "trâu đi cày". "Khi nó ốm thì người bảo phải cho ăn cỏ, người bảo cho đắp chăn nhưng không ai làm gì. Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả thì con trâu chết mà vẫn chưa bàn xong", doanh nhân này chia sẻ.

Cùng với đó, lãnh đạo Vietravel đề xuất: “Các ngân hàng thương mại làm rất chậm việc giảm lãi so với 4 ngân hàng nhà nước. Ngân hàng đã được giữ nguồn oxy rồi thì phải chấp nhận chia sẻ để vượt qua đại dịch. Sản phẩm của ngân hàng là tiền, doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm của mình rồi cũng trả nợ ngân hàng, có chuyện thì chúng ta phải xúm vào cùng giải quyết".

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nhân chung tay cùng đại gia Trương Gia Bình nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi bởi Covid-19 kinh doanh thế nào?

Sau khi khởi xướng ý tưởng thành lập trường nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi bởi dịch Covid-19, đại gia Trương Gia Bình đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN