Bất chấp khó khăn, ngân hàng đua nhau báo lãi khủng
Trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải dừng hoạt động mỗi tháng, các nhà băng lớn vẫn báo lãi vượt kế hoạch trong năm 2021 bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các dự báo đều cho rằng lợi nhuận các ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2021 khi các nhà băng phải hi sinh nguồn thu để hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, kết quả sơ bộ mới được công bố cho thấy nhiều nhà băng vẫn ''kiếm tiền'' rất tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 mới được tổ chức lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của nhà băng này đều đạt và vượt kế hoạch được giao trong năm 2021.
Cụ thể, huy động vốn thị trường I đạt 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đạt 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020.
Ngân hàng thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,63%. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%). Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020.
Tổng dư nợ được hỗ trợ miễn giảm lãi suất cho vay tại thời điểm 31/12/2021 đạt gần 680.000 tỷ đồng, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất khoảng 7.100 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với hỗ trợ năm 2020. Tổng dư nợ khách hàng được cơ cấu lại nợ là hơn 10.540 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc 9.410 tỷ và dư nợ lãi 1.130 tỷ đồng.
Năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, phòng chống Covid-19 với số tiền gần 723 tỷ đồng.
Các ngân hàng quốc doanh vẫn đạt và vượt kế hoạch kinh doanh trong năm 2021
Tương tự, trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động ngân hàng năm 2022, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết đến cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3% so với đầu năm.
Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là huy động vốn và dư nợ tín dụng đạt lần lượt 1,56 triệu tỷ và 1,316 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2020, cả 2 chỉ tiêu này của Agribank đều tăng trưởng tích cực, lần lượt ở mức 7,5% và 8,5%.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, Agribank cho biết đã thu về hơn 14.000 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2021, tăng 6% so với số thu năm 2020.
Chủ tịch Agribank cũng cho biết đã dành 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 để điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 đại diện ngân hàng VietinBank cho biết trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà băng này vẫn ghi nhận hàng loạt chỉ tiêu tài chính đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đầu năm.
Cụ thể, tính đến hết năm 2021, tổng tài sản hợp nhất VietinBank ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 1,14 triệu tỷ, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3%.
Ở chiều huy động vốn, số dư huy động thị trường 1 của VietinBank năm vừa qua ước đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 17,3%. Trong đó, huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn được tiết giảm mạnh.
Lãnh đạo VietinBank cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm vừa qua đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao (16.800 tỷ đồng). Đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,3% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 171%.
Cùng với đó, đại diện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết đến 31/12/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Trong đó, tổng tài sản khối Ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu theo kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Lợi nhuận đạt kế hoạch năm 2021 theo ngân hàng nhà nước giao. Hoạt động các công ty con, công ty liên doanh, liên kết năm 2021 ghi nhận kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế của khối công ty con năm 2021 đạt 1.094 tỷ đồng.
Cùng với 4 ngân hàng quốc doanh đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021, khối tư nhân ngân hàng TPBank cũng cho biết vượt kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Cụ thể, tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 37,6% so với năm 2020 và hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra tại đại hội cổ đông đầu năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TPBank năm 2021 gấp gần 3 lần năm 2020.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi công bố dự án vũ trụ lên tới cả tỷ USD, khối tài sản của ông bầu Nguyễn Đức Thụy đã "bốc hơi" hơn...