100 triệu gửi ngân hàng, tiền lãi không bằng vàng tăng "sốc" sau 1 đêm: Nhiều người tiếc nuối
Đang có hơn 100 triệu đồng gửi ngân hàng, nhưng anh Cương (Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận số lãi của mình nhận được kém xa so với chênh lệch giá vàng chỉ sau 1 đêm trong những ngày gần đây.
Sở hữu 2 sổ tiết kiệm tại ngân hàng với giá trị hơn 100 triệu đồng, anh Cương (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đang phân vân có nên tất toán cả 2 tài khoản tiết kiệm hay không, khi lãi tiền gửi ngày càng giảm sâu, trái ngược với đà tăng phi mã của giá vàng kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo anh Cương, cả hai sổ tiết kiệm của mình đều có kỳ hạn 1 tháng, một sổ 55 triệu đồng được mở vào cuối tháng 11/2019 và một sổ 59 triệu đồng được mở vào tháng 3/2020 với cùng mức lãi suất 5%/năm. Hiện cả hai sổ tiết kiệm của anh đều đã qua kỳ hạn tất toán và khi tự động gia hạn cho kỳ hạn tiếp theo mức lãi suất ngân hàng hiện nay giảm xuống chỉ còn 3,95%/năm.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng các kỳ hạn liên tục giảm kể từ đầu năm 2020
Anh Cương thừa nhận số tiền lãi mỗi tháng mình nhận được từ khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 100 triệu đồng hiện nay đang kém xa so với sự biến động của giá vàng chỉ sau 1 đêm trong những ngày gần đây.
Theo đó, sáng 22/7, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng khu vực TP.HCM ở mức 51,85 - 52,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với giá vàng ngày 21/7 là 50,68 và 51,08 triệu đồng/lượng thì giá mua vào tại đây chỉ sau 1 đêm đã tăng 1.170.000 đồng và giá bán tăng 1.870.000đ/lượng. Chênh lệch giá mua và bán sau một đêm là 770.000đ/lượng. Trong khi khoản lãi 1 tháng cho số tiền hơn 100 triệu đồng của anh nhận được tính ra hiện chỉ hơn 300.000đ.
Ông bố 30 tuổi còn cho biết nếu tính số tiền lãi nhận được so với sự biến động của giá vàng thời gian qua thì lãi tiền gửi từ ngân hàng cũng kém rất xa nếu thời điểm gửi tiết kiệm anh liều đầu tư vào mua vàng.
Theo anh CƯƠng, thời điểm mở sổ tiết kiệm 55 triệu đồng tháng 11/2019, giá vàng chỉ 41,32-41,54 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra). Trong khi thời điểm mở sổ tiết kiệm 59 triệu đồng giá vàng SJC ở mức 47,35-48,20 triệu đồng/lượng (mua vào, bán ra). Tính ra, anh đã mất hơn chục triệu đồng cho số tiền chênh lệch nếu đầu tư vào mua vàng thay vì gửi sổ tiết kiệm ngân hàng trong những tháng qua.
Từ bài học của bản thân, anh Cương cũng chỉ ra với những người có số tiền gửi tiết kiệm ngân hàng nhiều hơn đến cả tỷ đồng, thì số lãi nhận được so với sự chênh lệch về giá vàng kể từ đầu năm 2020 đến nay càng được nới rộng bởi vàng liên tục lập đỉnh giá mới và chưa biết đến khi nào sẽ dừng lại.
Trái ngược với sự tăng phi mã của giá vàng kể từ đầu năm 2020, lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng lại đang trong xu hướng giảm. Theo đó, kể từ cuối tháng 6/2020, các ngân hàng lớn đã liên tục giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Trong đó, riêng lãi tiền gửi dưới 6 tháng hiện đã thấp hơn 0,75-1% so với đầu năm, trong khi lãi kỳ hạn trên 6 tháng đã giảm 1-2%/năm.
HDBank là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động thuộc dạng cao so với mặt bằng chung hiện nay
Hiện làn sóng hạ lãi suất huy động tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần. Ngân hàng Techcombank điều chỉnh lãi suất ở hầu hết kỳ hạn với xu hướng giảm 0,2-0,3% so với đầu tháng 7. Sacombank điều chỉnh giảm 0,15-0,6% lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tương tự, VPBank giảm 0,2-0,4%; ACB giảm 0,1-0,4%; hay VIB, NamABank, TPBank, Eximbank, PG Bank,... đều giảm lãi tiền gửi tại nhiều kỳ hạn 0,2-0,5%/năm.
Sau điều chỉnh, ở mức gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng hiện Eximbank đang có mức lãi suất cao nhất là 4%/năm. Các ngân hàng khác mức lãi suất dao động từ 3,15%/năm đến 3,95%/năm. Trong đó, HDBank, VIB, PG Bank có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất phổ biến của các ngân hàng từ 3,3%/năm đến 4,05%/năm. Mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này thuộc về MBBank.
Tại kỳ hạn 6 tháng, những ngân hàng khối nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank có mức lãi suất chỉ 4,4%/năm. Trong khi mức lãi suất ở các ngân hàng thương mại cổ phần cao hơn từ 4,6%/năm đến 6,4%/năm. Mức lãi cao nhất kỳ hạn này thuộc về SHB khi dao động ở 6,3-6,4%/năm tùy vào số tiền gửi.
Dù mức lãi suất gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp, nhưng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây vẫn là một kênh đầu tư an toàn và độ rủi ro thấp phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi nhưng ít kinh nghiệm kinh doanh hay đầu tư.
Các cửa hàng vàng luôn tấp nập khách mua bán khi giá vàng liên tục lập đỉnh mới
Và mặc dù vàng được nhiều người xem là một kênh đầu tư sinh lời tốt hơn so với tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định việc biến động giá vàng cao như hiện nay có rất nhiều rủi ro với những người không có kiến thức và am hiểu về vàng.
Theo ông Long, giá vàng trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá vàng thế giới. Do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát nên giá dầu thô giảm và đồng USD mất giá, giá vàng liên tục có những biến động lớn do giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Khi nhu cầu về mặt hàng này tăng cao khiến giá kim loại quý liên tục tăng.
Với những người đang nắm giữ vàng trong tay thì việc kim loại quý này liên tục tăng thời gian gần đây giúp họ có được một khoản lợi nhuận lớn. Nhưng việc lướt sóng vàng, thậm chí đầu tư trong trung và dài hạn vàng thời điểm này là dành cho những người có nghiệp vụ, những người nhanh nhạy với sự biến động với giá cả của thị trường. Còn với những người “ngoại đạo”, không có kinh nghiệm về vàng thì không nên đầu tư vào mặt hàng này.
Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục chạm đỉnh cao 9 năm, biên độ mua vào-bán ra nới rộng từ 1,0-1,2 triệu đồng/lượng.
Nguồn: [Link nguồn]