Clip: Phóng xe Lead vượt đèn đỏ gây tai nạn kinh hoàng, tài xế cùng 1 người nằm gục
2 người đi xe máy nằm gục sau khi chiếc xe máy Lead phóng nhanh vượt đèn đỏ gây tai nạn kinh hoàng.
Hình ảnh vụ tai nạn được ghi lại bởi camera hành trình gắn trên ô tô do thành viên nhóm facebook OFFB chia sẻ mới đây cho thấy, dù tuyến đường có đèn tín hiệu màu đỏ nhưng tài xế điều khiển xe Lead vẫn phóng với tốc độ cao và tông ngang xe máy đang di chuyển qua ngã tư từ đường bên trái.
Cú tông kinh hoàng khiến cả 2 người đi xe máy bị hất văng xuống đường nằm bất động. Đoạn clip thu hút nhiều bình luận từ thành viên nhóm OFFB, phần lớn trong đó bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi phóng nhanh vượt đèn đỏ của tài xế xe Lead.
Trao đổi với PV về quy định xử lý hành vi vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông, luật sư Trần Sỹ Hoàng (Phó Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng trong trường hợp vi phạm trên gây tai nạn giao thông.
“Với hành vi điều khiển xe máy không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng” luật sư Hoàng nói.
Luật sư Hoàng cho biết thêm, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, trong đó quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể tăng lên 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội của tài xế.
Trao đổi thêm với PV, luật sư Hoàng cho biết, tai đường giao nhau, để đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông cần tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu và quy tắc nhường đường tại nơi giao nhau được quy định tại điều 24, Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải; Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
“Như vậy, theo Luật Giao thông đường bộ, các phương tiện tham gia giao thông khi tới nơi giao nhau, quy tắc đầu tiên các tài xế bắt buộc phải làm là giảm tốc độ, sau đó sẽ thực hiện các quy tắc nhường đường”. luật sư Hoàng nói.
Vừa nhảy từ xe máy xuống, cậu bé liền lao qua đường cắt đầu ô tô và chỉ có may mắn mới giúp cậu bé thoát đại nạn.
Nguồn: [Link nguồn]