Clip: Ô tô tạt đầu hất ngã 2 người đi xe máy rồi bỏ đi, tài xế bị cư dân mạng chỉ trích
Chiếc ô tô chạy với tốc độ nhanh vượt các xe cùng chiều rồi tạt đầu hất ngã xe máy đang chở 2 người.
Hình ảnh được thành viên nhóm Facebook Otofun Quảng Ninh chia sẻ cho thấy sau khi gây tai nạn, lái xe ô tô không dừng lại, vẫn cho xe rời khỏi hiện trường. Một người đi xe máy vẫn nằm bất động trên đường, một người có thể đứng dậy.
Theo thông tin chia sẻ kèm theo clip, tai nạn khiến người đi xe máy phải nhập viện cấp cứu.
Đoạn clip thu hút hàng chục bình luận, trong đó đa số ý kiến chỉ trích lái xe ô tô chuyển làn, vượt ẩu gây tai nạn nhưng không dừng lại, bỏ mặc nạn nhân gặp nạn.
Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Về việc xử lý lỗi chuyển làn với người điều khiển xe ô tô, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng đối với người điều khiển xe ô tô chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Luật giao thông đường bộ cũng có quy định về vượt xe (điều 14), theo đó xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn (khoản 1, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Xe không được vượt khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…
Về xử phạt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với người điều khiển xe ô tô vượt xe trong những trường hợp không được vượt. Phạt tiền từ 10- 12 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng đối với người điều khiển xe ô tô vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Đối với người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.
Gây tai nạn rồi bỏ đi, lái xe ô tô bi cư dân mạng chỉ trích.
Bộ luật Hình sự cũng quy định, trường hợp người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác như làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng... thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt có thể tăng lên tới 15 năm tùy vào mức độ vi phạm, thiệt hại gây ra với bị hại.
Nguồn: [Link nguồn]
Bị kẹp giữa đoàn xe đang ùn tắc, lái xe ô tô đã đưa ra một quyết định liều lĩnh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.