Clip: Gặp ô tô chạy như tự sát, xe tải bẻ lái né tai họa bất thành
Chiếc ô tô VinFast Fadil lấn làn đường ngược chiều lao vào xe tải.
Hình ảnh vụ tai nạn được chia sẻ trên mạng xã hội facebook cho thấy, một chiếc xe tải chở cây cảnh đang lưu thông thì bất ngờ một ô tô VinFast Fadil chạy ngược chiều lấn làn lao tới. Thấy mối nguy hiểm, lái xe tải bẻ lái xe sang phải hướng di chuyển tránh bị tông trực diện nhưng vẫn bị ô tô VinFast Fadil tông vào phần đuôi xe.
Sau va chạm chiếc ô tô VinFast Fadil đứng im tại chỗ nhưng vỡ phần cụm đèn và đầu xe bên trái.
Trao đổi với PV về quy định xử lý phương tiện chạy không đúng chiều đường và vượt xe, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, lái xe ô tô “điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều)” sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Luật sư Kiên cho biết thêm, trường hợp người điều khiển ô tô không đi đúng phần đường, làn đường gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với lỗi “Vượt xe”, luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Quy định vượt xe được quy định tại điều 14, Luật giao thông đường bộ. Theo đó, luật quy định các quy tắc vượt xe như sau: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi;
Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Xe không được vượt khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…
“Như vậy, khi vượt xe, người điều khiển phương tiện xe cơ giới (bao gồm ô tô, xe máy) trước tiên phải phát tín hiệu bằng còi và đèn.
Để đảm bảo an toàn, và thực hiện đúng quy tắc vượt thì tài xế phải quan sát, chỉ cho xe vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt”. - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý nói.
Về xử phạt lỗi lái ô tô vượt sai quy định, luật sư Kiên cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi “điều khiển xe ô tô vượt xe trong những trường hợp không được vượt”, lái xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
“Với hành vi vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng”. – luật sư Kiên nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ tai nạn hy hữu xảy ra trong lúc chiếc ô tô bán tải đang chuyển hướng sang đường.