Trào lưu đắp cả tấn kem nền như trét xi măng lên mặt của TikToker: Có tạo lớp nền đẹp không tì vết?
Mặc dù kem nền có thể giúp tạo ra một làn da mịn màng và đều màu, việc sử dụng thường xuyên cũng có thể mang lại một số rủi ro cho sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.
Cho dù bạn là người có kinh nghiệm trang điểm lâu năm hay mới tập tành cầm cọ, có lẽ bạn cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của lớp nền trong bất kỳ phong cách trang điểm nào. Một lớp nền mịn màng, đều màu giúp làm nổi bật mọi kiểu trang điểm, từ tự nhiên đến sắc sảo.
Hiện nay, cư dân mạng trên TikTok lại đang làm rộ lên một xu hướng gây tranh cãi đó là đánh nền dày cộp như “trát xi măng” lên mặt để đạt hiệu ứng không tì vết, che phủ mọi khuyết điểm chỉ trong một bước.
Sử dụng lớp nền dày đặc trong trang điểm đang là xu hướng được nhiều người áp dụng.
Sau khi sử dụng lượng lớn kem nền gương mặt bạn sẽ trở nên láng mịn che phủ mọi khuyết điểm.
Xu hướng này được khởi xướng bởi Meredith Duxbury, một beauty blogger nổi tiếng với phong cách đánh nền “full-coverage” - sử dụng lượng kem nền cực lớn. Trong mỗi video, Duxbury thường thoa một lớp kem nền dày đặc lên mặt, gần như “đắp” kem nền thay vì tán nhẹ nhàng từng lớp như cách thông thường.
Meredith Duxbury là một trong những cô nàng "khởi xướng" lên trào lưu này.
Để thực hiện phong cách này, cô không sử dụng cọ hay mút trang điểm theo cách truyền thống, mà thay vào đó, cô dùng chính đôi bàn tay để dàn trải và tán kem, tạo thành một lớp nền trông láng mịn và hoàn toàn che phủ mọi chi tiết trên da. Cách thoa bằng tay này tạo áp lực đồng đều, giúp kem “bám” vào da tốt hơn, mang đến hiệu ứng “da sứ” hoàn hảo mà các tín đồ làm đẹp ao ước. Cách trang điểm này đã thu hút nhiều sự chú ý và được không ít người học theo vì ai cũng mong muốn sở hữu một lớp nền hoàn hảo, không tì vết.
Nhiều tín đồ làm đẹp đã học theo phong cách này với mong muốn sở hữu lớp nền hoàn hảo, nhưng không ít ý kiến cho rằng việc sử dụng quá nhiều kem nền dễ làm mất đi sự tự nhiên và có thể ảnh hưởng không tốt đến làn da về lâu dài.
Lớp nền dày có thật sự hoàn hảo?
Lớp nền dày đặc có thể tạo cảm giác mịn mượt ngay lập tức, nhưng nó lại che phủ hoàn toàn bề mặt da tự nhiên, dễ tạo hiệu ứng mặt nạ. Thêm vào đó, nếu không có kỹ thuật tán đều và sản phẩm phù hợp, lớp nền dày dễ đọng lại ở các nếp nhăn và lỗ chân lông, làm da trông cứng và thiếu tự nhiên. Bên cạnh đó, không phải loại kem nền nào cũng phù hợp để đánh dày. Việc áp dụng quá nhiều kem nền thường chỉ hợp khi bạn có nhu cầu quay phim hay chụp ảnh, chứ không lý tưởng cho những hoạt động hàng ngày.
Đối với những ai có làn da dầu, lớp nền dày còn có nguy cơ làm da tiết dầu nhiều hơn, dẫn đến lớp nền bị “chảy” và loang lổ chỉ sau vài giờ.
Điều gì xảy ra nếu bạn thường xuyên sử dụng lớp nền quá dày?
1. Gây tắc nghẽn lỗ chân lông và nổi mụn
Khi thoa quá nhiều kem nền, lớp trang điểm dễ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, giữ lại bụi bẩn và dầu thừa trên da. Điều này có thể dẫn đến mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn viêm nếu lớp nền không được loại bỏ hoàn toàn vào cuối ngày. Tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và kích ứng da.
2. Làm mất độ ẩm tự nhiên của da
Các loại kem nền dày, đặc biệt là dạng lì hoặc kiềm dầu, thường chứa các thành phần có thể làm mất độ ẩm tự nhiên của da. Việc sử dụng chúng quá nhiều sẽ khiến da bị khô căng, thiếu sức sống và dễ bị bong tróc.
Thường xuyên thoa kem nền thật dày lên mặt có thể làm suy giảm hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
3. Da xỉn màu và thiếu sức sống
Lớp nền dày có thể làm da trông nặng nề và thiếu sức sống, che đi vẻ tươi sáng tự nhiên. Khi da bị “đè nặng” bởi lớp trang điểm dày đặc, nó không thể “thở” một cách tự nhiên, làm cản trở quá trình tái tạo tế bào da. Kết quả là da trở nên xỉn màu, kém rạng rỡ và mất đi độ bóng khỏe tự nhiên.
4. Làm lộ rõ nếp nhăn và lỗ chân lông
Kem nền dày có thể đọng lại ở các nếp nhăn, rãnh cười và các vùng có lỗ chân lông to, làm chúng trông rõ ràng hơn. Điều này làm mất đi sự tự nhiên và trẻ trung, khiến lớp trang điểm trông nặng nề, cứng nhắc và dễ “mốc” hoặc “cakey” khi trang điểm.
5. Gây kích ứng và dị ứng da
Lớp nền dày với các thành phần hương liệu hoặc chất bảo quản dễ gây kích ứng, nhất là với làn da nhạy cảm. Các triệu chứng như đỏ, ngứa, và sưng có thể xuất hiện, gây khó chịu và lâu dài còn làm yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài.
6. Tăng nguy cơ lão hóa sớm
Việc áp dụng lớp nền dày thường xuyên có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Một số loại kem nền chứa thành phần hóa học và hương liệu có thể gây stress oxy hóa trên da, làm tăng nguy cơ hình thành nếp nhăn, đường nhăn và đốm sắc tố.
Lớp nền dày cũng khiến da phải chịu căng thẳng, gây hại đến cấu trúc tế bào da về lâu dài.
Ngoài những tác động vật lý, lớp nền dày cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và hình ảnh của các chị em. Mặc dù trang điểm giúp nâng cao sự tự tin, nhưng lạm dụng lớp nền dày để che giấu mọi khuyết điểm có thể tạo nên sự lệ thuộc không lành mạnh, làm giảm lòng tự trọng và hình thành hình ảnh cơ thể tiêu cực.
Cách để có lớp nền mượt mà không hại cho da
- Làm sạch: Làm sạch và dưỡng ẩm kỹ lưỡng, sử dụng kem lót để tạo lớp bảo vệ và giúp nền bám lâu.
- Chọn kem nền phù hợp: Đối với da dầu, chọn kem nền kiềm dầu; da khô nên chọn loại dưỡng ẩm; da nhạy cảm chọn sản phẩm không hương liệu.
- Tán nền mỏng nhẹ: Dùng lượng kem vừa đủ và tán từ trung tâm mặt ra ngoài. Sử dụng mút trang điểm ẩm giúp nền mịn và đều.
- Chỉ che phủ chỗ cần thiết: Chỉ tập trung vào các vùng có khuyết điểm để da trông tự nhiên và "dễ thở."
- Cố định nhẹ nhàng: Sử dụng phấn phủ nhẹ ở vùng chữ T để kiểm soát dầu thừa.
- Tẩy trang kỹ: Làm sạch da sau mỗi lần trang điểm để ngăn ngừa mụn và bảo vệ da.
- Cho da nghỉ ngơi: Để da không trang điểm 1-2 ngày mỗi tuần giúp phục hồi và tránh bí da.
Việc chăm sóc làn da tự nhiên bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước và duy trì thói quen chăm sóc da là cách tốt nhất để hạn chế nhu cầu che phủ bằng lớp nền dày.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều ngôi sao hạng A chọn loại bỏ mỡ má để có vẻ ngoài sắc nét hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu nhận ra những tác động tiêu cực...