"Thượng đế" sập bẫy các biển hiệu thẩm mỹ nhập nhằng
Nghe theo những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội và tin vào uy tín của những biển hiệu như Viện thẩm mỹ, Thẩm mỹ viện, Trung tâm thẩm mỹ, Clinic, Beauty Center… nhiều khách hàng đã bị sập bẫy. Bên cạnh những trường hợp “tiền mất tật mang”, mới đây đã có người tử vong khi đi làm đẹp.
Nạn nhân gần đây nhất là cô gái trẻ N.T.P. (25 tuổi) tử vong khi đi làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM ngày 25/11 nguyên nhân ban đầu được nhận định là do sốc phản vệ thuốc gây tê. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra hoạt động của Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center nơi nạn nhân đến “đốt mỡ” làm đẹp thì trung tâm này đã “vườn không, nhà trống”.
Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center khiến bệnh nhân sốc phản vệ, tử vong khi đi "đốt mỡ" tháo dỡ biển hiệu "phi tang"
Những “thượng đế” sập bẫy các cơ sở thẩm mỹ “chui” không chỉ có người dân đang sinh sống trong nước mà có cả những Việt kiều từ nước ngoài về làm đẹp. Mới đây, báo Tiền Phong đã tiếp nhận đơn của một Việt kiều Mỹ là chị Võ Thị T.M. tố cáo bị cơ sở Abisalab Clinic (số 28/11A, Tôn Thất Tùng, Quận 1, TPHCM) bắn laser trị nám làm mù mắt bên phải. Khi làm việc với phóng viên, người quản lý Abisalab Clinic là bà Nguyễn Thị Thùy Như thừa nhận, người chiếu laser trị nám cho bệnh nhân không phải là bác sĩ, cơ sở không được cấp phép thực hiện thực hiện kỹ thuật laser mà chỉ được chăm sóc da và bán mỹ phẩm.
Đó chỉ là những vụ việc điển hình cho tình trạng loạn quảng cáo và biển hiệu của các cơ sở thẩm mỹ đang diễn ra trên địa bàn TPHCM. Chỉ mất 0,47 giây, từ khóa “Viện thẩm mỹ TPHCM” đã cho ra khoảng 30.200.000 kết quả. Bảng hiệu của các cơ sở thẩm mỹ đang trở thành ma trận với khách hàng khiến cộng đồng không thể phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép và cơ sở không đủ chuyên môn để hành nghề.
Trên thực tế, không phải cơ sở thẩm mỹ nào cũng bắt buộc phải có giấy phép hoạt động chuyên môn do Sở Y tế TPHCM cấp. Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm khác nhau. Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Đây là cơ sở được phép hoạt động không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Cơ sở chăm sóc da Abisalab Clinic nơi bị bệnh nhân tố cáo bắn laser trái phép làm mù mắt
Nhóm 2 là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không được phép sử dụng thuốc gây tê. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da. Các cơ sở phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi đến Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Theo bà Như, nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này, phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động chuyên môn và danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt. Đây chính là các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng “dịch vụ làm đẹp”. Đây không chỉ là khó khăn cho người dân mà còn là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước khi hàng loạt cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện”; “Viện thẩm mỹ”; “Trung tâm thẩm mỹ”…
Sở Y tế cho biết, thực tế qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng thuộc nhóm 1 và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da thuộc nhóm 2 đã phát hiện nhiều cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm, cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.
Nguồn: [Link nguồn]
Địch Lệ Nhiệt Ba được nhận xét là xinh "từ trong trứng nước".