Phụ nữ Trung Quốc "ăn vạ" xứ Hàn vì thẩm mỹ hỏng
Hàng chục phụ nữ Trung Quốc giơ cao biểu ngữ trước những cơ quan công quyền của Hàn Quốc nhằm lôi kéo sự chú ý đến những ca phẫu thuật thẩm mỹ hỏng mà họ trải qua tại đây.
Cuối tháng 9 vừa qua, tờ Tin nóng buổi tối của Trung Quốc đưa tin, một nhóm phụ nữ người Trung Quốc bị phẫu thuật hỏng đã tập trung tại Myeong-dong, thủ đô Seoul của Hàn Quốc, biểu tình trong nhiều ngày liền, với hy vọng hành động của họ sẽ khiến dư luận và chính phủ nước sở tại chú ý cũng như có tiếng nói và hành động cụ thể đối với ngành công nghiệp thẩm mỹ của nước này.
Những phụ nữ Trung Quốc cầm biểu ngữ tố cáo các trung tâm thẩm mỹ ở Seoul, Hàn Quốc.
Trong số này có cô Vương (Winnie) người Hồng Kông và cô Trần đến từ Thâm Quyến, cả hai đã tập trung ở đây một tuần để biểu tình. Họ từng ôm mộng đến Hàn Quốc với mong muốn trở nên xinh đẹp, thế nhưng kết quả không như mong đợi khiến họ cũng như nhiều phụ nữ Trung Quốc khác cảm thấy thất vọng tràn trề.
Cô Trần cho biết, những phụ nữ Trung Quốc tập trung biểu tình tại đây đều gặp hoàn cảnh tương tự, tất cả bao gồm hơn chục người, có người bị phẫu thuật thành hai cằm hoặc bị cắt gọt xương quá nhiều xương, lại có người bị cắm răng lệch, sai vị trí...
Cô Vương đã phải để con gái nhỏ ở nhà để đến Hàn Quốc đòi công lý.
Bản thân cô Vương cách đây 2 năm từng được một người môi giới từ Hàn Quốc giới thiệu, đồng thời thực hiện 8 ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc với chi phí 450.000 NDT (1,6 tỉ đồng).
Thế nhưng về sau người phụ nữ nhẹ dạ này mới hay biết, quá nửa chi phí cô nộp đều rơi vào túi của bọn môi giới.
Không những vậy, trước khi phẫu thuật cô Vương không có nhiều thời gian trao đổivới bác sĩ phẫu thuật cho mình: "Mỗi người chỉ có chưa đến 20 phút trò chuyện với bác sĩ, có cảm giác như bác sĩ luôn vội vàng, hỏi một vài câu, vạch vài đường minh họa và cứ thế tiến hành phẫu thuật luôn", cô Vương chia sẻ.
Nhiều phụ nữ chụp hình ảnh thẩm mỹ hỏng cùng triệu chứng họ gặp phải.
Như vậy từ lúc bệnh nhân với bác sĩ trao đổi với nhau cho đến lúc phẫu thuật diễn ra từ 10h sáng đến 2h chiều, giao tiền xong là vào phòng mổ một cách chóng vánh.
Chính sự chóng vánh và vội vàng nói trên đã dẫn đến những trường hợp phẫu thuật hỏng, để lại di tật nặng nề cho người phẫu thuật, thậm chí dẫn đến nguy hại tính mạng như một trường hợp gây rúng động dư luận Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua.
Cô Thư bị méo mồm do hệ thần kinh ở mặt bị tê liệt.
Theo đó một phụ nữ người Trung Quốc ngoài 50 tuổi đã hôn mê khi làm phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện Ngoại khoa chỉnh hình K ở Cheongdam-dong, Seoul, Hàn Quốc.Trong lúc phẫu thuật, nhịp tim bệnh nhân đột nhiên ngừng dẫn đến não rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Bệnh nhân sau đó được đưa đến một bệnh viện gần đó nhưng sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn chưa tỉnh lại.
Hay một trường hợp khác của cô Thư Tuyết, 30 tuổi đến từ tỉnh An Huy đã bỏ ra 140.000 NDT (487 triệu đồng) làm phẫu thuật thẩm mỹ 4 lần ở Hàn Quốc và dẫn đến bị méo mồm do dây thần kinh vùng mặt bị tổn thương. Suốt hơn một năm cô gái này không dám gặp cha mẹ, thậm chí hai lần đã viết di chúc với ý định giải thoát.
Khu Gangnam tập trung nhiều trung tâm thẩm mỹ khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc khốn khổ.
Được biết, tại trạm tàu ngầm ở khu Gangnam, Seoul dán chi chít những tờ quảng cáo thẩm mỹ. Không ít trong số đó sử dụng tiếng Trung Quốc để thu hút du khách đất nước tỷ dân, những người vốn được cho là có nhu cầu thẩm mỹ ngày một cao. Trong khi người Trung Quốc luôn cho rằng, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc phát triển nhanh và tiến bộ hơn trong nước.
Theo ông Nam Lê Minh, quan sát viên Trung Quốc tại Hàn Quốc cho biết, trong vài năm trở lại đây, lượng người Trung Quốc đến Hàn khiếu nại thẩm mỹ tăng đột biến.
Xuất hiện chữ Trung Quốc trong một trung tâm thẩm mỹ ở Hàn Quốc.
Ông Nam cũng cho biết thêm, thông thường người Hàn khi phẫu thuật thẩm mỹ sẽ nhờ người thân, bạn bè giới thiệu, tìm hiểu hoặc tìm đến những bệnh viện lớn, tên tuổi có độ an toàn và bảo hiểm cao.
Trong khi phần lớn những khách hàng thẩm mỹ người Trung Quốc đều tìm đến các công ty du lịch hay những người môi giới phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc. Do đó rủi ro cao là điều không tránh khỏ. Trong tháng 6.2015, chính phủ Hàn Quốc vừa cho điều tra và phát hiện 129 nhân viên môi giới phi pháp, phần đông là người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc sinh sống tại Hàn. Ngoài ra số này còn bao gồm cả các hướng dẫn viên từ các công ty du lịch, nhân viên nhà hàng và cả du học sinh...
Năm 2014 có gần 6.000 người Trung Quốc đến Hàn thẩm mỹ.
Tờ Tuổi trẻ của Trung Quốc công bố con số mà Trung Quốc tổng hợp cho thấy, kể từ năm 2014 đến nay, đã có khoảng 56.000 người Trung Quốc đến Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ. Còn theo con số từ Hiệp hội thẩm mỹ Trung Quốc công bố hồi tháng 3.2015 thì lượng người Trung Quốc phẫu thuật thẩm mỹ thất bại và những sự cố phát sinh đang gia tăng trung bình mỗi năm từ 10 - 15%.
Theo chia sẻ của ông Điền Á Hoa, Giám đốc điều hành Hiệp hội thẩm mỹ Trung Quốc thẳng thắn cho biết, trên thực tế số liệu có thể còn lớn hơn con số được công bố.
Cô Vương cùng nhóm phụ nữ biểu tình trên đường ở Myeong-dong, Seoul.
"Tôi quan sát con số phía Hàn Quốc công bố thì thấy năm 2014 là 56.000 người, nhưng đó chỉ là số liệu họ công bố những trường hợp thẩm mỹ hợp pháp. Trong khi ở Hàn Quốc có rất nhiều địa điểm không đủ năng lực hành nghề y cũng như quá nhiều môi giới, do đó khả năng còn nhiều trường hợp thông qua những đường dây là các công ty du lịch yếu kém". Ông Điền cho rằng những yếu tố trên phía Hàn Quốc không thể nắm bắt được.
Ngoài ra, Viện bảo vệ người tiêu dùng phía Hàn Quốc cũng đưa ra con số thống kê năm 2014 về số lượng gia tăng khách hàng đến Hàn Quốc thẩm mỹ cảm thấy không hài lòng cũng như ngày càng nhiều người tìm đến cơ quan này kiện cáo với con số là 4.800 vụ, tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua.
Phụ nữ Trung Quốc tiền mất tật mang cho những trung tâm thẩm mỹ kém chất lượng ở Hàn Quốc.
Con số này được truyền thông Trung Quốc nhận định là số liệu đáng giật mình mặc dù số lượng kiện cáo trên thực tế rất có thể còn lớn hơn 4.800 như phía Hàn công bố.
Ông Điền Á Hoa nhận định, do cách quản lý khác biệt giữa ngành thẩm mỹ Hàn Quốc và Trung Quốc, dẫn đến thực tế ở Hàn Quốc có nhiều bác sĩ thẩm mỹ chưa được đào tạo về chuyên môn nhưng vẫn cầm dao mổ, trong khi khách hàng người Trung Quốc lại không hề hay biết điều này.