Ôm hận vì nối lông mi giả, hậu quả thật

So với các loại hình làm đẹp khác thì nối mi được coi là dịch vụ rẻ, đơn giản và dễ làm nhưng hầu hết những người đi nối mi đều bị nhiễm bệnh như dị ứng, viêm bờ mí mắt, viêm kết mạc...

So với các loại hình làm đẹp khác thì nối mi được coi là dịch vụ rẻ, đơn giản và dễ làm. Vì thế, không chỉ ở các mỹ viện mà tại các cơ sở cắt tóc gội đầu đều làm dịch vụ ăn khách này. Chính sự tràn lan và đại trà này khiến nhiều chị em đã “ôm hận” vì nối lông mi giả nhưng hậu quả thật.

“Mỹ viện” bình dân

Tiệm cắt tóc gội đầu X.N, gần Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM ngày nào cũng đông khách. Tuy chỉ là một tiệm nhỏ, giá cả bình dân nhưng bên ngoài treo dòng chữ rất to: chuyên xăm môi, thêu lông mày, nối lông mi giả... So với các dịch vụ khác của tiệm thì nối lông mi giả được khách hàng ưa chuộng nhất.

Một khách hàng cho biết ở đây làm nhanh, đẹp, giá rẻ (120.000 - 150.000 đồng/cặp) và... có bảo hành. Không gian tiệm chật chội, khách chờ đông có khi phải ngồi bệt ở ngoài cửa tiệm. Lúc này, chị N. chủ tiệm đang nối lông mi cho khách nhưng vẫn luôn miệng nói cười với người đang ngồi chờ để họ quên đi cái không gian chật chội, nóng bức trong tiệm.

Ôm hận vì nối lông mi giả, hậu quả thật - 1

Người đi nối mi thường bị nhiễm bệnh như dị ứng, viêm bờ mí mắt, viêm kết mạc... (Ảnh minh họa)

Giường bên cạnh, cô thợ được N. giới thiệu là Út Sữa, 20 tuổi, quê Trà Vinh cũng đang nối lông mi cho một người khác. Út Sữa kể mới vào nghề, làm chưa thành thạo lắm nên hơn 2 tiếng đồng hồ rồi mà chưa nối xong cho khách. Trong khi đó, bà chủ N. thì làm thoăn thoắt, khoảng tiếng rưỡi là xong một người.

Khi N. đang nối lông mi cho khách thì đứa con trai nằm trên gác thức giấc òa khóc. Chồng N. bế con dỗ mãi mà nó vẫn không nín, N. bảo chồng “ông lại nối cho khách đi, để tui cho con ăn”. Không ngần ngại, anh chồng chạy lại cầm nhíp rồi tỉ mỉ gắp từng sợi lông mi giả gắn cho khách hàng. Có mấy người ngạc nhiên thắc mắc thì N. bảo, ở tiệm này, ai cũng biết nối lông mi.

Còn Nh. chủ tiệm T.N từ Bình Phước xuống TP.HCM làm nghề cắt tóc, gội đầu đã 3 năm. Tuy chỉ học qua một lớp ngắn hạn về cắt tóc nhưng Nh. cũng có thể nối tóc, nối lông mi cho khách hàng. Nh. thật thà kể, một lần đến tiệm cắt tóc khác gội đầu, thấy nhân viên ở đây đang nối lông mi giả cho khách, trong lúc chờ đợi, Nh. lân la hỏi chuyện và học hỏi được mấy chiêu. Và ngày hôm sau, cô không ngần ngại thêm vào bảng ngoài cửa tiệm “chuyên nối lông mi giả”.

Nh. cho biết ban đầu làm run tay lắm nhưng chỉ vài ba lần là quen liền. Xung quanh chung cư C.Q, Q.1, TP.HCM cũng có rất nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu kiêm nối lông mi giả. Theo lời quảng cáo của các chủ tiệm thì lông mi giả sẽ được nối vào lông mi thật bằng một loại keo chuyên dụng, nhập từ Mỹ, Hàn Quốc và có độ bền từ 3 - 6 tháng.

Khi vào một tiệm cắt tóc, gội đầu trong một con hẻm trên đường C.Q, chủ tiệm nhiệt tình cho chúng tôi biết, mi giả có nhiều kích cỡ và độ cong khác nhau để phù hợp với 3 kiểu mắt đặc biệt. Kiểu mắt một mí sẽ nối 1/3 mí ở đuôi mắt tạo cảm giác trông mắt dài hơn, mắt nhỏ sẽ chọn loại dài vừa phải và nối hết phần mi để trông mắt to hơn còn mắt xếch sẽ nối mi hết mí trên để tạo cảm giác mắt tròn và bớt xếch.

Còn chất liệu mi giả cũng có nhiều loại: mi thường 150.000 đồng/mắt, mi tơ, mi lụa 250.000 - 300.000 ngàn đồng/mắt.

Độ dài của mi giả từ 8 - 12 mm, tùy vào sự lựa chọn của khách hàng. Tuy nhiên, trong 3 tuần đến 1 tháng, khách hàng sẽ phải đi dặm lại keo, với chi phí: mi thường 100.000 đồng/mắt; mi tơ, mi lụa: 150.000 đồng/mắt.

Những loại keo dùng nối mi được quảng cáo là xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc nhưng trên lọ, bao bì thì ghi chằng chịt tiếng Trung Quốc, tiếng Thái... và không có tên công ty sản xuất. Theo các chủ tiệm thì loại keo này được nhập về từ nước ngoài với giá vài trăm ngàn cho đến vài trăm đô la một lọ. Tuy nhiên, khi đi ra khu vực Chợ Lớn hỏi mua keo dán mi giả, chúng tôi thấy bày bán nhan nhản với giá 50 ngàn đồng/lọ.

Theo một chủ sạp trong chợ Kim Biên thì rất nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu trong thành phố ra lấy sỉ keo dán lông mi của chị về làm cho khách hàng.

Hậu quả khó lường

Chất lượng keo dính và sợi mi không chất lượng kèm theo tay nghề của người nối không cao nên đã gây hậu quả cho nhiều người, ảnh hưởng đến chất lượng “cửa sổ tâm hồn” của họ cả về mặt thẩm mỹ lẫn những ảnh hưởng khác. Minh đang làm ở một tờ báo tại TP.HCM. Cô có khuôn mặt đẹp nhưng luôn buồn phiền vì hàng lông mi ngắn. Chính vì vậy mà Minh gửi gắm niềm tin vào dịch vụ nối lông mi giả. Khi đợt mi giả này sắp hết hạn sử dụng cô lại đi tháo và nối lông mi mới.

Thấy Minh nối lông mi giả, cô bạn thân của Minh là Hương cũng đi nối thử một lần cho biết, dù lông mi của Hương không đến nỗi nào. Thế nhưng ngay khi vừa nối lông mi về, mắt Hương đã nặng trĩu, cứng đờ và ngứa ngáy. Sang ngày thứ 2 thì mí mắt của Hương sưng lên, mắt đỏ au. Sợ quá, Hương phải lập tức đi tháo và vào bệnh viện mắt khám.

Tại đây bác sĩ kết luận, Hương đã bị dị ứng với keo dán mi. Lúc này Hương mới phục cô bạn thân vì lúc nào cũng trong tình trạng nối mi mà vẫn chịu được. Khi đó Minh mới khai thật là mắt cô cũng cứng đờ, ngứa ngáy, rất khó chịu, cô cũng thường xuyên vào bệnh viện khám mắt nhưng vì cái đẹp, cô sẵn sàng chấp nhận.

Còn chị Phương Nga (Q.8, TP.HCM) cũng điêu đứng vì nối lông mi giả. Ngay khi vừa nằm xuống cho người ta nối mi, chị đã có cảm giác rờn rợn vì thấy họ dùng một loại keo màu đen, mùi hắc rất khó chịu bôi lên mắt mình. Rồi khi nhân viên nối mi dùng nhíp gắn sợi mi nhỏ vào chân mi, chị có cảm giác như bị đâm vào da thịt, rất đau nhưng nghĩ rằng nhiều người chịu được, chẳng lẽ mình bỏ cuộc. Nhưng chỉ một ngày sau, mắt chị Nga cứng đờ cả khi nhắm lẫn khi mở rồi thì mí sưng lên và ngứa ngáy khó chịu.

Không đợi lên tiệm nữa, chị Nga tự lấy nhíp nhổ hết lông mi giả ra và lông mi thật cũng biến mất. Sau mấy ngày, mắt chị vẫn sưng tấy lên nên phải đi khám ở Bệnh viện mắt TP.HCM và kết quả là chị bị viêm kết mạc, phải điều trị lâu dài.
Chị Ái Chi (Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị cứ tưởng sau khi nối lông mi về sẽ có hàng mi cong vút, dày đen trên đôi mắt mở to nhưng ai ngờ, mi chị giờ trụi lủi, mà theo cách “tự trào” của chị là giống... mắt gà. Không chỉ có những nạn nhân trên mà hiện nay hầu hết những người đi nối mi đều bị nhiễm bệnh như dị ứng, viêm bờ mí mắt, viêm kết mạc...

Theo bác sĩ Vũ Anh Lê - Trưởng khoa Chấn thương - Bệnh viện Mắt TP.HCM, do yêu cầu của việc nối mi phải dùng keo dán, nên phải 24 giờ sau vùng mi được nối mới hoàn toàn khô hẳn, nếu lỡ tay dụi vào mắt thì keo dính vào niêm mạc mắt rất nguy hiểm, nhiều trường hợp gây sưng viêm kết mạc và mi mắt hoặc nhẹ hơn là gây cay, chảy nước mắt, dị ứng ngứa đỏ mắt.

Có khi những sợi mi nối bị khô chết và rụng đi (vì không được nuôi dưỡng bởi các tế bào vi mạch máu từ da mi), sẽ kéo theo cả những sợi mi thật rụng theo, gây mất thẩm mỹ cho vùng mi mắt và mất lớp mi bảo vệ mắt.

Sau khi nối, mi mắt có cảm giác nặng hơn, khó chịu khi nhắm mở mắt vì mi thật phải cõng thêm hàng mi nối. Ngoài ra, người nối mi cũng tuyệt đối không được để nước thấm vào vùng mi mắt, nếu không lớp keo dán sẽ bung ra, trông lem nhem và các sợi mi sẽ bị dính bết vào nhau.

Một số trung tâm thẩm mỹ đưa ra dịch vụ phẫu thuật cấy mi từ nang tóc của chính người được cấy. Bác sĩ sẽ lấy các nang lông tóc từ phần sau của đầu là nơi tóc dày và khỏe nhất, cắt tỉa và chọn lọc những sợi chân tóc thích hợp để cấy vào bờ mi.

Tuy nhiên, các sợi lông mi mới này sẽ mọc dài ra liên tục vì được cấy từ nang nên phải thường xuyên cắt tỉa, chăm sóc và cần khoảng 4 - 5 tháng để phát triển ổn định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tin nóng
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN