Cơ bắp và trí tuệ

Với hầu hết các thiếu nữ đang tuổi cập kê, thì giấc mơ phi thường nhất là có một ngày nào đó, bỗng một chàng trai vừa to cao vừa thông minh, lừng lững âu yếm đi tới chân thành dắt mình vào hôn nhân. 

Nhiều nhà văn là bằng chứng sống cho lý thuyết “một tinh thần minh mẫn luôn bên trong một cơ thể cường tráng”

Nhiều nhà văn là bằng chứng sống cho lý thuyết “một tinh thần minh mẫn luôn bên trong một cơ thể cường tráng”

Đại loại ở vào cái ngày hoang đường đấy, một chàng trai bụng sáu múi lịch sự gõ cửa vấn an sức khỏe ông bà mình bằng tiếng Pháp, chào hỏi bố mẹ mình bằng tiếng Anh, rồi quay sang “chém gió” việc thi cử với thằng em trai bằng tiếng Trung.

Trong khi tinh tế nói chuyện về văn hóa của người Mông ở Hà Giang, người Thái ở Sơn La, chàng buột mồm trích dẫn thuộc lòng Kinh Thánh lẫn Kinh Phật lẫn Hegel lẫn hậu hiện đại tiểu thuyết, mà mỗi trích đoạn ngắn nhất cũng xâm xấp hai ngàn chữ.

Trước khi ra về, thay vì vái chào hay bắt tay như thông lệ, chàng nhẹ nhàng lễ phép cúi xuống chống tay hít đất chín mươi cái. Một chàng trai mà vừa uyển chuyển cơ bắp như thế, mà vừa uyên bác trí tuệ như thế, quả đáng là một giấc mơ đẹp.

Có lẽ vì thế mà xa tít từ ngàn xưa, cái nỗi khát khao “song toàn văn võ”, không hẳn chỉ để tán gái, luôn miên viễn ám ảnh hầu hết tất cả các thượng đẳng đàn ông. Cả Đông lẫn Tây, đám quý tộc thượng lưu dư dật đều bắt buộc các thằng con trai phải luyện kiếm, luyện đàn, luyện vẽ, luyện nhạc. Bọn họ bỏ nhiều tiền thuê gia sư giỏi về dạy bọn nhóc ngay từ lúc còn ngồi bô.

Vì thế nên hầu như đám công tử thế gia có nếp nhà tử tế, khi lớn lên thường trở thành những gã trai hay lắm. Bọn họ bơi nhanh lặn giỏi, đấm bốc thành thần, trèo núi thoăn thoắt. Xem họ vẽ, đôi khi thấy còn hơn vài tay họa sĩ vỗ ngực là từng tốt nghiệp mỹ thuật ở Yết Kiêu. Nghe họ chơi piano, thấy không thua gì mấy thủ khoa dương cầm ở trường nhạc mạn phía Hoàng Cầu. Thế nhưng không hiểu sao, phần lớn cuộc đời của đám “cậu ấm” này ở ta thường thê thảm bất trắc. Tuổi hoa niên của họ đa phần đều rơi vào thời tao loạn, gặp nhan nhản bọn tiểu nhân vô sỉ.

Do vậy, chỉ cần mới chớm tuổi trung niên, ngoại hình lẫn tinh thần các “cậu” bỗng phôi pha khác hẳn. Mặt mũi sề sệ nhão màu rượu. Mắt tắt tinh anh, ăn nói lảm nhảm như thằng dở hơi, cố tình dấm da dấm dớ. Với cái nát bét hình thể đấy, với cái bạc nhược tâm hồn đấy bọn này thường rất khó cưa được gái, không những thế còn bị đám mặt hoa da phấn quen thói a dua thời thượng thị dân thô bạo hắt hủi.

Cơ bắp và trí tuệ - 2

Để quyết định đến việc kiến tạo ra cơ bắp hay trí tuệ ở đàn ông thì không cứ lệ thuộc vào điều kiện khách quan, bởi con người vốn là tạo tác tinh hoa hồn nhiên của trời đất. 

Tất nhiên, để quyết định đến việc kiến tạo ra cơ bắp hay trí tuệ ở đàn ông thì không cứ lệ thuộc vào điều kiện khách quan, bởi con người vốn là tạo tác tinh hoa hồn nhiên của trời đất. Dễ dàng thấy điều này ở những đàn ông làm những nghề hình như được Chúa chọn, đại loại ví như tu hành hay viết văn chẳng hạn.

Theo cuốn “Trần Huyền Trang đại pháp sư lược truyện” thì Đường Tăng là một người bẩm sinh như thế. Ông trường chay thuần thành sống với thiên nhiên từ nhỏ nên cả người rắn chắc. Tuy chỉ ngồi thiền gõ mõ tụng kinh, chưa từng bao giờ lai vãng tới bất cứ phòng “gym” nào cả, thế nhưng bụng Đường Tam Tạng không phải dạng vừa đâu, cuồn cuộn sáu múi, cỡ Lý Đức hay Phạm Văn Mách ngó thấy cũng rưng rưng rỏ dãi. Khi khát, ông uống nước suối trong không đun. Khi đói, ông ăn quả chín không rõ nguồn gốc xuất xứ vệ sinh thực phẩm. Vậy mà chưa bao giờ ông bị đau bụng. Trí tuệ ông siêu phàm kinh ngạc.

Chẳng có bằng cấp gì, nhưng một tay ông dịch cả ngàn bộ kinh luận từ tiếng Phạn, lịch sử hoằng pháp của Phật giáo trân trọng tôn ông là một trong những cao tăng đệ nhất. Có lẽ do muốn “câu viu”, nên truyện và phim “Tây du ký” cố tình mô tả ông èo uột phụ thuộc vào tiểu xảo phép thuật của mấy gã đệ tử vừa láu lỉnh vừa ngu si.

Ngoài đời thực, Trần Huyền Trang một mình một ngựa “độc hành kỳ đạo” vượt qua 81 kiếp nạn bằng bản lĩnh của chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà không biết bao nhiêu yêu nữ say mê ông. Còn xét về nhân phẩm và nhan sắc của đám nữ yêu ấy thì các “hotgirl” showbiz  bây giờ không đáng xách dép.

Ngoài những bậc chân tu, thì trí tuệ và cơ bắp ở đám nhà văn cũng là sự lạ, nhất là mấy tay triền miên ngồi viết trường thiên tiểu thuyết.

Theo các nhà phê bình văn học đầy đố kỵ người Pháp, thì tiểu thuyết gia Honore de Balzac (1799 - 1850) xứng đáng là dị nhân. Hồi trẻ khi mới tập tọng sáng tác, những lúc đợi cảm hứng, ông buồn tay bẻ cong cả cái móng ngựa bằng sắt.

Cổ ông tròn ngắn như thép đúc, vòng đo rộng rãi tương đương như vòng cổ của “bốc xờ” khét tiếng Mike Tyson, ngay cả văn hào người Mỹ xuất xứ võ sĩ quyền Anh lừng danh bò mộng là Hemingway cũng thua xa. Đã từng hàng tháng giời ròng rã, ông có thể liền tù tì hàng ngày ngồi viết từ 16 đến 18 tiếng, cạn cả bình mực to và mòn vẹt hàng chục những ngọn bút lông ngỗng.

Nhiều nhà phê bình yếu bóng vía cho rằng, để chép lại cả bộ “Tấn trò đời” của ông thì ngày nay một lực lưỡng thạc sĩ ngữ văn, không ăn không yêu, chỉ cần mẫn ngồi chép nguyên cũng đã mất nửa non cuộc đời.

Cơ bắp và trí tuệ - 3

Ngạn ngữ Latinh có câu “mens sana in corpore sano”, nôm na nghĩa là một tinh thần minh mẫn luôn bên trong một cơ thể cường tráng. Chí lý thay! Kẻ viết bài này hân hạnh thân một nhà thơ gần bảy mươi tuổi nhưng lưng vẫn thẳng. Hơn bốn mươi năm rồi, ngày nào ông cũng uống, không chơi bất cứ một môn thể thao nào. Vậy mà đều đặn hai năm ra một trường ca, hai tuần ra một đoản ca, hầu hết đều đoạt giải. Lúc lĩnh tiền giải thưởng, ông hào sảng say, cất tiếng cười suýt sập cả quán. 

Là một quân tử ngay thẳng, ông chẳng biết sợ gì, duy nhất chỉ sợ bị yêu nữ ăn thịt.

Nguồn: [Link nguồn]

Rộ trào lưu bóc phốt bạn đời ngoại tình: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa...”

Theo các chuyên gia tâm lý, bóc phốt bạn đời ngoại tình khiến bạn hả hê nhất thời nhưng về lâu dài sẽ dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhà văn Nguyễn Việt Hà ([Tên nguồn])
Đàn ông 8 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN