'Bóng ma' rình rập sau cơ sở thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan

Tại Thái Lan, có không ít các trường hợp kiện tụng do “dao kéo” hỏng nhưng lại không nhiều vụ thành công.

Mối nguy sau những quảng cáo ngọt như đường

Một phụ nữ người Anh tên là Joy William đã tìm tới trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ SP Clinic tại Bangkok vào cuối năm 2014. Khi tới đây, Joy hi vọng rằng mình sẽ có được vẻ ngoài hấp dẫn hơn mà chỉ phải bỏ ra một cái giá phải chăng. Cơ sở mà cô chọn lựa được nhiều người nước ngoài tin tưởng và khen ngợi.

Tuy nhiên vết thương ở mông của cô đã bị nhiễm trùng và Joy chết ngay trên bàn phẫu thuật trong khi cơ sở thẩm mỹ tìm cách cứu vãn sai lầm do họ gây ra.

Bác sĩ Sompob Sanriri, chủ của trung tâm nói trên phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái xấu số và cơ sở SP Clinic buộc phải đóng cửa. Trung tâm này vốn là địa chỉ hút khách du lịch nước ngoài bởi những lời quảng cáo đầy hoa mỹ và thường xuyên khuyến mại lên tới 60%.

'Bóng ma' rình rập sau cơ sở thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan - 1

Phẫu thuật thẩm mỹ tại Thái Lan

Cô Joy là một trong số hàng chục, hàng trăm ngàn du khách du lịch tới Thái Lan mỗi năm để phẫu thuật thẩm mỹ. Có nhiều lý do để lựa chọn “dao kéo” tại xứ sở chùa Vàng. Mức giá hợp lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Giá cả phẫu thuật thẩm mỹ ở Thái Lan thuộc hàng rẻ nếu so với ở châu Âu hay Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra ở Thái còn sẵn sàng thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó như chuyển giới, gọt mặt, phẫu thuật xương trán.  

“Một sự thật là chúng tôi có những bệnh viện tốt với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra giá cả cũng rất cạnh tranh. Đó là chất lượng dịch vụ.” – Bác sĩ Apirag Chuangsuwanich, chủ tịch Hiệp hội thẩm mỹ Thái Lan cho biết về nguyên nhân khiến phẫu thuật thẩm mỹ ở nước này ngày càng thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên phát biểu này lại có phần mâu thuẫn với hiện thực các trung tâm thẩm mỹ "chui", kém chất lượng mọc lên như nấm sau mưa tại Thái Lan.

Mòn mỏi vì kiện tụng

Vào năm 2010, Helena Grace, người hiện đang sống ở Băng Cốc, quyết định thay đổi hình dáng khuôn mũi của mình sau khi xem một quảng cáo.

'Bóng ma' rình rập sau cơ sở thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan - 2

Chiếc mũi của cô Helene thay đổi theo chiều hướng vô cùng tệ hại

“Tôi phải thừa nhận rằng, sau khi xem quảng cáo của một trong những bệnh viện nổi tiếng ở Bangkok, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục”. – Cô Helena Grace cho biết.

Sau khi đem bức hình mẫu và mô tả kiểu mũi mà cô thích tại bệnh viện, Helena Grace đã sẵn sàng bước lên bàn phẫu thuật. Ca phẫu thuật của cô chỉ thuộc hàng tiểu phẫu nhưng không hiểu sao nó kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ.

“Khi thức dậy, tôi biết đã có điều gì đó không ổn” – Helena nói.

Cô báo nỗi lo lắng của mình với bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật cho mình. Tuy nhiên vị bác sĩ đó nói mọi việc đều ổn và cô nên chờ vài ngày để chiếc mũi lành lặn.

Tuy nhiên càng ngày hình dáng chiếc mũi của cô Helena ngày càng thay đổi. Tồi tệ hơn cô không thể thở bình thường nổi.

Không thể tin tưởng trung tâm thẩm mỹ ở Thái Lan, Helena đã bay về Mỹ để kiểm tra. Các bác sĩ ở Mỹ cho cô biết ca phẫu thuật mũi đã hoàn toàn bị hỏng. Cô gái đáng thương sẽ phải tốn rất nhiều tiền để sửa chữa chiếc mũi hỏng. Kể cả như vậy thì sau cùng, chiếc mũi của cô vẫn không được bảo hành là sẽ hoạt động bình thường. 

'Bóng ma' rình rập sau cơ sở thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan - 3

Một trường hợp khuôn mặt biến dạng sau khi phẫu thuật

Helena khiếu nại với cơ sở thẩm mỹ tại Thái Lan. Họ chối bỏ trách nhiệm và chắc chắn sẽ không chi tiền sửa lại chiếc mũi bệnh tật cho cô. Họ chỉ hoàn lại tiền phẫu thuật. Trong suốt 4 năm, Helena đã phải đấu tranh để đòi công lý. Helena kiện lên tòa án dân sự Thái Lan nhưng cuối cùng, tòa án đã bác đơn kiện của cô với lý do thiếu căn cứ về sự cẩu thả của trung tâm thẩm mỹ.

Một sự thật mà các khách hàng đang hoặc sẽ có ý định tới Thái Lan phẫu thuật thẩm mỹ cần biết đó là dù có không ít các trường hợp kiện tụng do “dao kéo” hỏng nhưng lại không có nhiều vụ thành công. Điều này là lý do tại sao bác sĩ ở Thái phải trả phí bảo hiểm thấp hơn ở châu Âu hay Mỹ. Quay ngược lại, đó cũng là nguyên nhân khiến giá cả “dao kéo” ở xứ chùa Vàng rẻ chỉ bằng 1/3 so với tại các cường quốc thẩm mỹ khác.

Vào năm 2006, ông James Goldberg phát hiện con trai của mình là Joshua chết khi điều trị chân ở bệnh viện lớn tại Thái. Ông cho biết con trai mình tử vong do bị dùng quá nhiều loại thuốc khác nhau. Bệnh viện đó chối bỏ trách nhiệm và vẫn giữ được danh tiếng. James Goldberg cũng thất bại trong vụ kiện tụng dù ông thu thập được đủ chứng từ pháp lý từ các trung tâm y tế tại Mỹ. James Goldberg cho biết những kiện tụng liên quan tới cơ sở y tế như trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ đều có tỷ lệ thắng rất thấp, do phía cảnh sát Thái Lan ít chuyên môn về y tế và họ chủ yếu dựa vào kết luận từ Hội đồng Y khoa.

Vấn nạn "bác sĩ thẩm mỹ ma quỷ"

Trường hợp của cô Joy Williams là đỉnh điểm của những hậu quả nghiêm trọng của sự tràn lan các cơ sở thẩm mỹ “chui”, kém chất lượng nhưng được quảng cáo mạnh mẽ. Sau khi bị bắt trong vụ việc của cô Joy, bác sĩ Sansiri bị cáo buộc có trách nhiệm chính nhưng sau đó lại vẫn tiếp tục được làm ở một trung tâm y tế khác.

Phóng viên của BBC đã đặt câu hỏi cho Hội đồng Y khoa Thái Lan về lý do tại sao bác sĩ Sansiri không bị đình chỉ, họ đã trả lời “vì chúng tôi phải chờ đợi kết quả của cuộc điều tra, điều này có thể mất nhiều năm”. Và trong nhiều năm đó, rất có thể sẽ có nhiều trường hợp như cô Joy tiếp tục trở thành nạn nhân của những tay “lang băm” trong ngành thẩm mỹ như Sansiri.

'Bóng ma' rình rập sau cơ sở thẩm mỹ giá rẻ ở Thái Lan - 4

Bác sĩ Sompob Sansiri đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ sau vụ việc

Thực tế là chỉ có khoảng vài trăm bác sĩ thẩm mỹ trong số 80 phòng khám và bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép tại Thái Lan. Điều này nghĩa là có rất nhiều những bác sĩ thẩm mỹ “chui” không có giấy chứng nhận hành nghề nhưng vẫn hoạt động nhằm đáp ứng được nhu cầu phẫu thuật rất lớn trong nước và các nước châu Á lân cận. Những bác sĩ thẩm mỹ không có giây phép hành nghề được mô tả với cụm từ rùng rợn "bác sĩ thẩm mỹ ma quỷ”.

Tuy nhiên Thái Lan cũng đang có những động thái nhằm thắt chặt an toàn dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở nước họ. Cục trưởng Boonruang Triruangworawat của Cục Hỗ trợ Dịch vụ Y tế cho biết cơ quan của ông đang giám sát chặt chẽ các cơ sở y tế đăng ký. Bệnh nhân nên chọn thực hiện dịch vụ từ các nhà cung cấp được cấp phép là đủ an toàn.

Bên cạnh đó ông cũng kêu gọi người tiêu dùng phải biết bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách kiểm tra lịch sử hoạt động của bác sĩ và cơ sở y tế bạn định thực hiện dịch vụ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN