Thảm họa cháy rừng ở Mỹ: Nhiều công ty bảo hiểm tìm đường 'tháo chạy'
Còn quá sớm để biết chính xác tổn thất vụ cháy rừng bùng phát quanh Los Angeles, California, Mỹ, nhưng thiệt hại đối với thị trường bảo hiểm đang có dấu hiệu rõ ràng, dẫn đến việc các công ty tìm đường tháo chạy.
Thị trường bảo hiểm điêu đứng
Theo Los Angeles Times, từ khi đám cháy rừng bùng phát ngày 7/1, ước tính có 100.000 người phải sơ tán, 9.000 công trình bị phá hủy, ít nhất 16 người thiệt mạng.
Các đám cháy thiêu rụi nhiều khu phố mang tính biểu tượng của Los Angeles và lan rộng khắp Hollywood Hills. Công ty dự báo thiên tai AccuWeather ước tính vụ cháy rừng khả năng cao gây thiệt hại lên đến 135-150 tỷ USD, báo hiệu quá trình phục hồi khó khăn và chi phí bảo hiểm nhà ở sẽ tăng vọt.
"Sẽ mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng để xác định quy mô thiệt hại bảo hiểm phải chi trả. Cháy rừng ở Los Angeles là một trong những vụ hỏa hoạn tốn kém nhất trong lịch sử của tiểu bang", đại diện tập đoàn Moody's Ratings đánh giá.
Los Angeles đỏ lửa vì thảm họa cháy rừng lan rộng.
Tổn thất do thảm họa gia tăng trong vài năm qua và gây ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của ngành bảo hiểm, khiến ngành công nghiệp này rút lui khỏi những khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là Florida và California. Chỉ số ngành công nghiệp bảo hiểm S&P Select (.SPSIINS) giảm 3,2% hồi cuối tuần.
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu dẫn đầu ngành Travelers (TRV.N) giảm 4%. Allstate (ALL.N) giảm 7%. Chubb và AIG (AIG.N) giảm lần lượt 4% và 1,3%. Mercury General có trụ sở tại Los Angeles (MCY.N) giảm 22%.
Đại diện công ty bảo hiểm đa ngành cho biết sẽ mất một thời gian để tổng kết thiệt hại. Khi các đám cháy rừng tiếp tục bùng phát, công ty dự kiến mức thiệt hại vượt quá mức tái bảo hiểm là 150 triệu USD.
Công ty bảo hiểm tìm đường tháo chạy
Theo New York Times, thảm họa cháy rừng dẫn đến cuộc tháo chạy của các công ty bảo hiểm rời khỏi tiểu bang. Giới bảo hiểm từ bỏ California do tổn thất ngày càng tăng.
“Hàng loạt công ty bảo hiểm tại Nam California cạn kiệt nguồn dự trữ tài chính. Họ chấp nhận bỏ rơi khách hàng, rời khỏi tiểu bang”, Nancy Watkins - chuyên gia bảo hiểm tại Milliman - nói.
Sridhar Manyem - giám đốc cấp cao về nghiên cứu và phân tích nguồn lực tài chính của các công ty bảo hiểm tại AM Best - cho rằng làn sóng tháo chạy khỏi California khiến mức phí bảo hiểm vốn cao càng thêm cao. Việc tìm kiếm phạm vi bảo hiểm cũng là vấn đề.
Tại khu vực bị ảnh hưởng do cháy rừng từ ngày 7/1, nhiều hộ dân mua gói bảo hiểm mang tên Kế hoạch FAIR do Chính quyền Liên bang hậu thuẫn. Gói bảo hiểm đắt hơn, mức chi trả toàn diện nhất so với phiên bản thương mại.
Nhiều công ty bảo hiểm giảm số tiền bồi thường thiệt hại do cháy rừng.
Tim Zawacki - chiến lược gia ngành bảo hiểm tại S&P Global Market Intelligence - cho biết số hộ dân mua gói bảo hiểm nói trên tăng gấp đôi so với năm 2023. Đáng nói, nếu không đủ tiền để thanh toán tất cả yêu cầu bồi thường, Kế hoạch FAIR sẽ thu tiền từ công ty bảo hiểm hoạt động tại California. Điều này trở thành gánh nặng tài chính cho các công ty bảo hiểm khác, thúc đẩy làn sóng rút lui khỏi thị trường.
Vụ cháy rừng gây hậu quả tiềm tàng. Không có bảo hiểm, ngân hàng không cấp thế chấp, kéo theo hệ lụy dân Mỹ không thể mua nhà. Sức mua giảm dẫn đến giá bất động sản tụt dốc, đe dọa cơ sở thuế ở các cộng đồng dễ xảy ra hỏa hoạn. Đây là kịch bản định hình California, khi biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng, New York Times bình luận.
Cuộc khủng hoảng bảo hiểm ở California tăng mạnh những năm qua. Các công ty phải vật lộn kiếm khách hàng để chi trả yêu cầu bồi thường ngày càng tăng. Các vụ cháy rừng năm 2017 và 2018 xóa sổ toàn bộ lợi nhuận của các công ty bảo hiểm thu được trong 25 năm.
Nhiều công ty bảo hiểm giảm số tiền bồi thường thiệt hại do cháy rừng. Để ứng phó, quan chức California tạm thời chặn công ty từ chối bảo hiểm cho chủ nhà bị nạn cháy rừng tàn phá.
Nước đi của công ty bảo hiểm và biện pháp của quan chức California không hiệu quả. Dữ liệu do Quốc hội Mỹ công bố cho thấy từ năm 2020, tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm nhà ở bị hủy tại California tăng nhanh mỗi năm. Nhiều quận của California có tỷ lệ không gia hạn hợp đồng bảo hiểm cao nhất toàn nước Mỹ.
Bão lửa thiêu rụi hàng loạt công trình kiến trúc tại Los Angeles, California, Mỹ.
Ricardo Lara - Ủy viên Hội đồng Bảo hiểm của California - cho biết ông đau đầu tìm giải pháp thu hút công ty bảo hiểm đến California. “Tôi lo lắng về cách thị trường phản ứng với những vụ cháy gây tổn thất như hiện tại. Tuy nhiên, bảo hiểm vẫn là thị trường lớn nhất nước và đứng thứ tư toàn cầu. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn”, Lara nói.
Theo dữ liệu từ AM Best, các công ty bảo hiểm bảo hiểm nhiều nhà nhất ở California là State Farm và Farmers.
Khi được hỏi vụ cháy ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh tại California, người phát ngôn của công ty bảo hiểm State Farm cho biết: “Ưu tiên số một của chúng tôi đang là sự an toàn của khách hàng, đại lý và nhân viên bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy. Chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng vượt qua thảm họa”.
Luis Sahagun, người phát ngôn của Farmers, cho biết công ty "đang tập trung hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi vụ cháy rừng tàn khốc”.
Giới chức bang California mới đây cảnh báo, gió mạnh trong những ngày tới sẽ làm trầm trọng sự tàn phá trên khắp thành phố Los Angeles, nơi đã ghi...
Nguồn: [Link nguồn]
-14/01/2025 05:30 AM (GMT+7)