Yêu cầu báo cáo tình hình người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo Bộ Xây dựng, việc này thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong việc theo dõi, quản lý tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo Điều 79 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Đề án về an ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó có nội dung đánh giá việc thực hiện chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo tình hình người nước ngoài, Việt Kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, các nội dung báo cáo sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn, trước và sau thời điểm Luật nhà ở 2014 có hiệu lực (ngày 1/7/2015 - PV). Nội dung báo cáo thể hiện tổng số tổ chức, cá nhân đã mua và sở hữu nhà, địa điểm mua, loại nhà ở sở hữu: Căn hộ chung cư hay nhà ở riêng lẻ.
Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương đánh giá về việc thực hiện quy định công bố các dự án không được phép, được phép bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc theo dõi, cập nhật đăng tải các thông tin về mua bán nhà của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn.
Theo CBRE, trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng khách mua nhà tại TP.HCM là người Trung Quốc tăng đột biến, chiếm 31% .
Cuối năm 2018, Công ty CBRE đã công bố thống kê cho thấy lượng khách mua nhà tại TP.HCM là người Trung Quốc ngày càng tăng, chiếm 31% tổng lượng giao dịch trên thị trường cùng kỳ. Không chỉ có người Trung Quốc, khách mua nhà còn đến từ người Hàn Quốc 19%, người Hồng Kông 10%, người Mỹ 3%, người Việt Nam chiếm 24 %.
“Nếu như năm 2016, người Trung Quốc chỉ chiếm 2% tổng lượng khách mua nhà ở TP HCM, sau đó tăng lên mức 4% trong năm 2017 và đến nay lại tăng đột biến lên mức 31%. Trong khi lượng khách mua nhà người Việt Nam lại giảm dần qua các năm 2016 – 2018 từ 47% xuống còn 24%”, báo cáo của CBRE cho hay.
Theo CBRE, đa số người nước ngoài chọn phân khúc căn hộ hạng A, hạng sang tại TP.HCM để mua, sở hữu.
Tuy nhiên, ngay sau đó Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã bác thông tin lượng khách mua nhà là người Trung Quốc tại TP.HCM tăng đột biến trong năm 2018. HoREA cho rằng, con số này là phiến diện, không chính xác.
“Đây chỉ là số liệu thống kê từ số lượng khách hàng của Công ty CBRE. Hơn nữa, công ty này môi giới bán nhà chủ yếu trong phân khúc bất động sản cao cấp, trung cao cấp nên không phản ánh được toàn bộ tình hình thị trường nhà ở tại TP HCM”, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lý giải.
Đà Nẵng công bố dự án người nước ngoài được và không được mua Sở Xây dựng TP Đà Nẵng mới đây công bố danh sách gồm 17 dự án nhà ở thương mại cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở (đợt 1). Trong đó có 8 dự án ở quận Sơn Trà, 6 dự án ở quận Hải Châu. 3 dự án còn lại nằm ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng công bố 3 dự án nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở gồm: Chung cư F – Home (của Cty CP Lương thực Đà Nẵng, tại 16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu), Danang Diamond Tower – Tổ hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ Marriott và nhà ở để bán (của Cty CP Địa ốc Foodinco, tại số 58 Bạch Đằng, quận Hải Châu) và Indochina Riverside Tower (của Cty TNHH Indochina Riverside Tower River Garden Việt Nam, tại số 74 Bạch Đằng). |