Yeah1 kiếm trăm tỷ từ Youtube thế nào và thiệt hại ra sao sau sự cố?
Có nguồn thu tương đối lớn từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng Youtube, Yeah1 chịu tổn thất không nhỏ từ sự cố mới đây.
Đầu tháng 3, YouTube thông báo chấm dứt thoả thuận lưu trữ nội dung với Spring Me Pte. Ltd. – một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Lan do Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần, vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn Yeah1.
Theo Yeah1, hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Công ty bao gồm hai mảng chính: YouTube và Xuất bản nội dung số (Yeah1 Publishing). Trong đó, phân khúc YouTube bao gồm Bán hàng trực tiếp và MCN YouTube, liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube. Mảng này được quản lý bởi Yeah1 Network. Cụ thể:
Đối với MCN Youtube: Yeah1 và đối tác sản xuất, đăng tải video lên Youtube để nhận doanh thu quảng cáo được trả bởi các nhãn hàng/nhà quảng cáo. Youtube có 45% doanh thu và 55% còn lại thuộc về Yeah1.
Đối với các video mà Yeah1 trực tiếp sản xuất, công ty sẽ hưởng trọn 55% này. Còn với video của đối tác, Yeah1 chỉ được giữ lại từ 5-30% và thanh toán 70-95% cho đối tác trong số 55% doanh thu này.
Đối với Bán hàng trực tiếp: Yeah1 kiếm tiền từ việc lồng ghép thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của các nhà quảng cáo vào video. Doanh thu này sẽ được trả trực tiếp từ các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quảng cáo theo hợp đồng thỏa thuận mà không liên quan tới Youtube.
Sự cố mới đây sẽ chỉ ảnh hưởng tới mảng kinh doanh Youtube mà không liên quan gì đến hoạt động Xuất bản nội dung số của Yeah1
Theo bản cáo bạch niêm yết của Yeah1, trong năm 2017, lĩnh vực MCN Youtube của Yeah1 Network có tỷ trọng doanh thu là 34,4% và lợi nhuận là 56,9%. Cụ thể, Mảng kỹ thuật số - Youtube đem lại cho Yeah1 289 tỷ đồng doanh thu và 85 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong năm 2017.
Theo công ty, 72,7% tổng lượt xem trên Youtube của Yeah1 đến từ Việt Nam, tuy nhiên doanh thu chỉ chiếm 18,6%. Tức phần lớn doanh thu kiếm được của Yeah1 là nhờ lượt xem từ nước ngoài. Đây có lẽ là lý do Yeah1 chi hàng chục triệu USD để thâu tóm các đơn vị sản xuất video ở nước ngoài trong thời gian qua.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Yeah1 đạt 922 tỷ đồng, chiếm 55,37% tổng doanh thu. Lợi nhuận gộp của mảng này là 253 tỷ đồng.
Còn theo số liệu từ Yeah1, doanh thu từ YouTube MCN chiếm 309 tỷ đồng (khoảng 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba.
Cổ phiếu của Yeah1 liên tiếp giảm sàn sau sự cố với Youtube
Với sự cố với Youtube, Yeah1 nói rằng việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu. Trong trường hợp này, doanh thu của Yeah1 từ mảng MCN Youtube cũng sẽ sụt giảm đáng kể, bởi 90% tiền đem về lại đến từ kênh của bên thứ ba.
Còn trong trường hợp Youtube chấm dứt CHSA đối với tất cả các kênh thuộc quản lý của Yeah1, công ty này sẽ mất toàn bộ nguồn thu quảng cáo từ các kênh Youtube (thông qua Google) hiện tại, mà sẽ chỉ còn hy vọng vào nguồn thu từ hợp tác trực tiếp với các nhãn hàng trong video của mình.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu YEG của Yeah1 đã giảm sàn ba phiên liên tiếp sau sự cố với Youtube, vốn hóa của công ty này bốc hơi khoảng 1.500 tỷ đồng.
Sau sự cố hợp tác với Youtube, cổ phiếu của Yeah1 tiếp tục giảm sàn phiên thứ ba liên tiếp.