Lưu bài Bỏ lưu bài

7 rưỡi sáng, Mai chạy từ trên đê xuống dưới nhà bè đưa cho cái Lì – con của cô gói xôi nóng hổi, dặn phải ăn ngay cho đỡ đói. Cái Lì bảo, đã lâu lắm rồi mới được ăn xôi bởi vì mẹ Mai thất nghiệp suốt mấy tháng trời, buổi sáng toàn ăn cơm rang. Covid-19 làm mẹ nó và mẹ của nhiều đứa trẻ khác ở xóm Phao phải lao đao, khốn cùng.

Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 2Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 3

M

ai (32 tuổi) từng là một công nhân trong nhà máy sản xuất đồ thủ công quy mô nhỏ ở Hà Đông. Mai học hết lớp 5, còn chồng cô – tên Miền (31 tuổi), học hết lớp 6. Năm 2015, hai vợ chồng tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe khách rồi nên duyên vợ chồng, về ở với nhau tại xóm Phao. 

Xóm Phao nằm ở khu vực bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Đây là nơi ngụ cư của hơn 100 con người, sống trên những “ngôi nhà” níu lấy nhau bằng bè phao, chông chênh trên mặt nước và chắp vá bằng đủ thứ băng rôn, bạt, biển hiệu quảng cáo… Những người sống ở đây phần lớn đều có chung cảnh ngộ: Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau; không có hộ khẩu ở quê cũ và cũng không được thừa nhận ở nơi mới.

Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 5 Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 6

Những ngày mới “nhập cư” ở xóm Phao, vợ chồng Mai Miền đi làm những công việc chân tay như nhặt rác, bốc vác thuê, phục vụ, dọn dẹp theo giờ trong các nhà hàng ở bên kia cầu Long Biên. Đến năm 2017 may mắn được nhận vào làm công nhân tại một xưởng sản xuất đồ thủ công nhỏ ở Hà Đông.

Hồi đó cứ mỗi 7 giờ sáng, hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe máy cũ men theo con đường đất nhỏ xíu, đi xuyên qua thành phố ngót nghét gần 20km để đi làm. Nếu làm việc chăm chỉ, Mai và Miền mỗi người kiếm được 4 triệu/tháng, hai người 8 triệu nuôi tất cả 4 miệng ăn: Đứa lớn học cấp 1, đứa nhỏ học mẫu giáo.

Cuộc sống tuy khó khăn nhưng vẫn êm đềm cho tới khi nhà xưởng đóng cửa vì Covid-19. Vợ chồng Mai thất nghiệp.

Nói không buồn và tuyệt vọng thì không đúng vì làm gì có ai thất nghiệp mà vẫn thản nhiên được, nhưng Mai không than phiền và chồng cô cũng vậy. Mai bảo: “Chiều hôm cuối cùng đi làm ở xưởng về, hai vợ chồng nhìn con mà muốn rớt nước mắt, nhưng cả hai không ai nói gì cho đến khi chồng mình thủ thỉ vào tai: Mai anh chở đi tìm việc khác.”

Thế rồi hai vợ chồng rồng rắn dắt nhau đi tìm việc, đi hết nhà hàng này sang quán ăn khác. Mai nhận rửa bát cho một quán ăn nhỏ ở Long Biên, còn Miền loanh quanh chạy xe ôm vì thi thoảng còn phải qua nhà trông 2 đứa trẻ khi đó vẫn phải nghỉ học vì dịch.

Cuối tháng 2/2021, quán ăn nhà hàng tạm thời đóng cửa, Mai và Miền lại thêm lần nữa… mất việc. Từ đó đến nay, ban ngày 2 vợ chồng đi nhặt ve chai, thu mua phế liệu, thi thoảng Miền chạy vài quốc xe ôm còn ban đêm thì cùng nhau làm cửu vạn ở chợ Long Biên.

Làm hết việc này đến việc khác, thu nhập của cả hai cũng được 8 triệu/tháng. Giống như ngày trước làm công nhân nhưng bây giờ bớt được tiền xăng, đỡ tiền ăn vì không phải đi xa, buổi trưa vợ chồng cái con lại được quây quần, đoàn tụ.

“Giai đoạn khó khăn nhất đã qua rồi, nếu nhìn tích cực thì “nhờ” Covid-19 bọn mình có thời gian gần con hơn. Vật chất có thể không đủ đầy hơn nhưng hàng ngày gia đình gần gũi nhau cũng tiếp thêm động lực cho mình. Càng khó khăn mới thấy càng phải nỗi lực nhiều hơn” - Mai chia sẻ.

Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 9Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 10

Từ nhà Mai Miền đưa mắt nhìn sang phải có khoảng 30 hộ dân sống lác đác trong những thuyền phao trôi nổi trên sông, bao quanh là bãi lau rộng. Xóm Phao vốn là “ốc đảo” riêng của những người lao động nghèo, cả chục năm nay, họ được miêu tả với những tính từ ngắn gọn và giống nhau như: Dân ngoại tỉnh; không hộ khẩu và thu nhập thấp.

Những người sống trong “hệ sinh thái Long Biên” phần lớn đến từ các tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên; Thanh Hóa; Vĩnh Phúc; Hà Nam… sau nhiều năm lang bạt họ “dạt” về đây dựng nhà phao và làm những công việc như phụ hồ, phục vụ, rửa bát thuê, cửu vạn, người nào khá hơn thì làm công nhân để sống qua ngày.

Nhưng dù ai ở đâu, làm gì, cứ đến cuối chiều, dân xóm Phao lại lác đác trở về với “ốc đảo” của mình. Từ trên đê, bóng một người phụ nữ cao lớn khệ nệ đẩy xe hoa quả, vừa đi, miệng vừa lẩm bẩm: “Chưa bao giờ thấy cái xe này nặng như hôm nay, ế gần nửa”. Ở đây, người ta gọi bà là Tân “Thời”. 

Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 12

Bà Tân (56 tuổi) quê gốc ở Phú Thọ, về xóm Phao ở từ năm 2011. Vợ chồng nhà bà Tân là kiểu gia đình điển hình ở xóm Phao: Gặp nhau khi đi làm ở Hà Nội rồi tự dựng nhà ở chung. Về sau, 3 người con riêng của bà Tân khi lớn lên cũng lập gia đình và sống ngay ở những bè bên cạnh.

“Nhà” bà Tân có diện tích khoảng 15m2 được tạo ra từ những thùng phi, mảnh gỗ chắp vá, bạt, biển hiệu chăng tứ tung. Mọi sinh hoạt hàng ngày như ăn ngủ, tắm giặt, vệ sinh cá nhân của hai vợ chồng đều diễn ra trong không gian này. 

Chậm rãi đi xuống bè, bà Tân vừa thở hổn hển do còn dư âm của chiếc xe hàng nặng lúc nãy, vừa luôn miệng kể: “Ở đây không có điện đâu, phần lớn đều sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng, còn mùa đông thì mang ắc-quy đi sạc nhờ, quanh năm cứ lập lờ, nửa sáng nửa tối”.

Khoảng 5 năm nay, bà Tân làm nghề bán hoa quả ở khu vực phố cổ, “mùa nào thức nấy” cũng kiếm được khoảng 3 – 4 triệu/tháng. Nhưng từ đợt cách ly xã hội năm 2020 đến đợt bùng dịch ở Hải Dương năm nay, nguồn sống của bà Tân gần như “hết cửa”. Bà Tân bảo gần đây nhất có ngày đi bán chỉ được 60.000 đồng, bà phải đi thu lượm ve chai để kiếm thêm đồng ra đồng vào.

“Cả xóm này giờ đi lượm ve chai hết, thi thoảng đùa nhau không hiểu ve chai ở đâu ra có đủ cho gần trăm con người ở xóm Phao này lượm. Chẳng biết cảnh này đến khi nào thì kết thúc” – Bà Tân chia sẻ.

Không kiếm ra một đồng nhưng bao khoản tiền vẫn phải chi, như nhiều gia đình thu nhập thấp, thứ đầu tiên bị bớt xén trong gia đình ông bà là đồ ăn. Bữa cơm trưa có một bát thịt băm, rau bắp cải xào đủ cho hai vợ chồng, có khi là để dành tới cả bữa tối.

Đầu xóm bà Tân than thở thì cuối xóm ông Hùng, ông Nhân cũng ngồi thẫn thờ nhìn ra sông, “xóm Phao bây giờ ban ngày đông người lắm vì có ai đi làm mấy đâu” – Ông Hùng (61 tuổi) nửa đùa nửa thật.

“Thắt lưng buộc bụng” là cách duy nhất những người lao động ở xóm Phao có thể nghĩ được trong những ngày khó khăn này. Bọn trẻ con trong xóm dường như cũng nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong suốt một năm qua, ấy vậy mà chúng không buồn - chúng có biết gì đâu mà buồn… Đôi khi, chính cái sự vô tư của đám trẻ lại là câu trả lời cho mọi vấn đề.

*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu

Thu nhập 60 nghìn/ngày: Cuộc sống của lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên như thế nào? - 14

Content: Thanh Thúy

Media: Nguyễn Bình

Chủ Nhật, ngày 11/04/2021 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Thanh Thúy - Nguyễn Bình ([Tên nguồn])