Xóa bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng: Chậm còn hơn không!
Sau khi Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ độc quyền sản xuất, giá vàng SJC trong nước đã “đánh võng”. Chỉ trong ngày 21/3, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tới 4 lần, với mức tăng, giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, người dân mua vàng theo tâm lý đám đông, người chờ tăng chốt lời, người chờ giảm để mua vào.
Vàng tạo sóng, người dân xếp hàng
Sau gần 1 tuần ổn định, ngày 21/3, giá vàng trong nước “chao đảo”. Chỉ trong 1 ngày, giá vàng đã có tới 4 lần điều chỉnh tăng, giảm. Mở cửa phiên giao dịch sáng, giá vàng thế giới lên mức kỷ lục 2.200 USD/ounce đã kéo giá vàng trong nước tăng theo. Vàng SJC tăng gần 1 triệu đồng/lượng, lên mức 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tròn trơn tăng 1,5 triệu đồng/lượng, lên trên 70 triệu đồng/lượng.
Chỉ hơn 1 tiếng sau, giá vàng SJC quay đầu giảm về mức 81 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đầu giờ chiều 21/3, giá vàng SJC lại tăng lên mức 81,8 triệu đồng/lượng. Đến 15h30 ngày 21/3, giá vàng SJC giảm về 80,1 triệu đồng/lượng.
Ngày 21/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 23.399 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, giá USD quanh mức 24.580 – 24.610 đồng/USD, giảm tới 615 đồng/USD. Đà giảm của tỷ giá USD xuất phát từ việc chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt thế giới giảm về mức 103,5 điểm. Cùng với đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vừa diễn ra.
Giá vàng tăng, người dân rồng rắn xếp hàng mua bán. Tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông, Hà Nội), người dân phải xếp hàng lấy phiếu, chờ đến lượt. Ông Nguyễn Quân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mang bán 3 lượng vàng SJC cho biết, số vàng này ông mua khi giá gần 70 triệu đồng/lượng.
“Giá vàng thế giới tăng, vàng SJC trong nước vượt 82 triệu đồng/lượng nên tôi mang bán chốt lời. Số vàng này nhằm tích lũy, giá lên cao tôi mang bán và chờ khi giảm sẽ mua sau”, ông Quân nói.
Cùng đến cửa hàng vàng, bà Lê Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) bán 5 lượng vàng. Trong đó, 3 lượng vàng SJC của bà Hạnh để lâu, bị vàng ố vỏ bên ngoài nên mất phí 300.000 đồng/lượng. Theo bà Hạnh, nhân viên cửa hàng vàng cho biết, quy định giao dịch vàng SJC nếu bị vàng ố lớp vỏ ngoài, cong vênh sẽ mất phí 300.000 đồng/lượng.
Theo quan sát của PV Tiền Phong, đa số người dân đi bán vàng miếng SJC chốt lời. Trong khi đó, người dân mua vào chủ yếu lựa chọn vàng nhẫn tròn trơn. Cầm trên tay gần 200 triệu đồng tiền mặt, bà Phạm Hòa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ngày Vía Thần tài (Mùng 10 tháng Giêng) mua 1 chỉ vàng cầu may với giá 6,5 triệu đồng. Kể từ đó tới nay, giá vàng liên tiếp tăng mạnh, trong khi lãi suất tiết kiệm 6 tháng khoảng 3%. Vì vậy, sau khi tất toán sổ tiết kiệm 200 triệu đồng, bà Hòa chọn mua nhẫn tròn trơn.
“Đây là số tiền tiết kiệm để dưỡng già của vợ chồng tôi. Lãi suất tiết kiệm giảm, giá vàng ngày càng tăng nên tôi chuyển sang mua vàng tích trữ. Tôi nghĩ về lâu dài, chắc giá vàng sẽ tăng thêm nữa”, bà Hòa cho biết.
Ngoài chuyển từ tiết kiệm sang mua vàng, nhiều người đi mua vàng theo tâm lý đám đông. Đa số khách hàng xếp hàng mua vàng là người cao tuổi, người đã về hưu. Ôm chặt túi tiền mặt gần 300 triệu đồng ở hàng ghế ngồi chờ đến lượt, bà Nguyễn Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) mắt không rời bảng điện tử niêm yết giá vàng. Khi giá vàng SJC giảm 800.000 đồng /lượng về mức 81,2 triệu đồng/lượng, bà Loan chần chừ không biết nên mua hay không.
“Cả tuần nay, giá vàng có xu hướng giảm nên tôi chờ giảm thêm mới mua. Sáng nay, giá vàng tăng vọt, sợ vàng lại tăng giá tiếp nên tôi xếp hàng chờ mua. Xếp hàng chưa đến lượt, giá vàng lại giảm. Giá vàng biến động liên tục, tôi cũng băn khoăn không biết nên chốt mua hay chưa”, bà Loan nói.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/3, giá vàng SJC ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,2 triệu đồng. Giá nhẫn tròn trơn 69,2 - 70,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,8 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách mua vàng chiếm 55% tổng giao dịch và số khách hàng bán vàng chiếm 45% tổng khối lượng giao dịch.
“Khuyết tật” của thị trường vàng, ai chịu trách nhiệm?
Giá vàng SJC liên tục chao đảo Ảnh: Như Ý
Giá vàng SJC trong nước đang giằng co giữa đà tăng của vàng thế giới và đề xuất cơ quan chức năng quản lý kinh doanh vàng. Tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý ngày 20/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Theo NHNN, hiện nay không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” được hạn chế. Biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế vẫn ở mức cao.
Vì vậy, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đề xuất này của NHNN trùng với kiến nghị của chuyên gia, hiệp hội vàng trong nhiều năm qua. Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, năm 2023, nhu cầu tiêu dùng vàng của người Việt ở mức 55,5 tấn vàng. Trong khi đó, Việt Nam hạn chế nhập khẩu vàng. Nguồn cung khan hiếm đã khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ”. WGC cũng nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng không độc quyền nhập khẩu vàng miếng.
Đánh giá về đề xuất này của NHNN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc chậm trễ bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng đã xảy ra nhiều hệ lụy. Tiêu biểu như giá vàng trong nước neo cao khiến xảy ra buôn lậu vàng, ảnh hưởng tỷ giá, nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Bất bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp vàng, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.
“Trước sự quyết liệt của Thủ tướng, NHNN có đề xuất bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu NHNN sớm bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giảm bớt hệ lụy tiêu cực, có tác dụng tốt hơn cho thị trường vàng”, ông Long nói.
Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường vàng cũng như lĩnh vực khác của nền kinh tế, nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”. Theo đó, “khuyết tật” của thị trường vàng như chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức cao, chênh lệch với giá vàng thế giới.
“Việc NHNN thay đổi tư duy, đề xuất bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng dù chậm nhưng còn hơn không. Chỉ có cạnh tranh mới giúp thị trường vàng năng động. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng “giám sát” lẫn nhau, góp phần lành mạnh hóa thị trường”, ông Doanh đề xuất.
Trước việc thị trường vàng biến động mạnh, Ngân. hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ Nhà nước độc quyền sản xuất loại vàng này.
Nguồn: [Link nguồn]