Xe công nghệ hoạt động ra sao sau 1/4?

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều quy định sẽ thay đổi, nhất là đối với loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống kể từ hôm nay (1/4), khi Nghị định 10 có hiệu lực.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT)

Bắt đầu từ hôm nay (1/4), Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực. Nhiều quy định sẽ thay đổi, nhất là đối với loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống. Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) xung quanh vấn đề này.

Tự do lựa chọn loại hình

Từ hôm nay, Nghị định 10 có hiệu lực, vậy loại hình xe hợp đồng điện tử đang hoạt động như: Grab, Be, Fastgo… sẽ phải chuyển đổi thế nào? Hiện các hãng cung cấp ứng dụng tại Việt Nam đang trực tiếp điều hành lái xe và quyết định giá cước vận tải. Nếu theo quy định của Nghị định 10, họ không được làm việc này thì họ có phải là doanh nghiệp vận tải?

Điều 3 của Nghị định số 10/2020 đã quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Tại Điều 35 của Nghị định số 10 quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 của điều này.

Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này, các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

Do vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 35.

Có nghĩa là họ có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải. Đồng thời, khi lựa chọn theo hình thức kinh doanh nào, phải chấp hành đầy đủ các điều kiện được quy định cho loại hình kinh doanh đó.

Đây là quy định rất mở để đơn vị tự xác định và phân định rõ hoạt động của mình mà lựa chọn hình thức kinh doanh cho phù hợp và phải chấp hành theo đúng các điều kiện đã lựa chọn.

Loại hình xe hợp đồng điện tử đang hoạt động theo Quyết định 24 tự động chuyển đổi hay phải làm thêm các thủ tục gì? Bộ GTVT đã hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải hoạt động?

Như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp cần tự xác định và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cần khẳng định rằng, Quyết định 146 đã hướng dẫn các doanh nghiệp phần mềm, doanh nghiệp vận tải thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 10/2020.

Đối với các phương tiện tham gia thí điểm đều là các xe đã được sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng thuộc doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 10, tại Quyết định số 146/2020 của Bộ GTVT đã hướng dẫn sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện đang tham gia thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định 10.

Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 (đang tham gia kế hoạch thí điểm), kể từ ngày 1/4/2020, nếu tiếp tục hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng, phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021.

Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định của Nghị định.

Xe công nghệ được hoạt động trên cả nước

Để hành khách nhận diện, beGroup đang triển khai nhiều hoạt động vận hành để phù hợp với quy định của Nghị định 10 như yêu cầu tài xế dán cố định decal có cụm từ “xe hợp đồng”. Ảnh: Trần Duy

Để hành khách nhận diện, beGroup đang triển khai nhiều hoạt động vận hành để phù hợp với quy định của Nghị định 10 như yêu cầu tài xế dán cố định decal có cụm từ “xe hợp đồng”. Ảnh: Trần Duy

Theo Nghị định 10, loại hình xe hợp đồng điện tử có còn bó buộc hoạt động trong phạm vi 5 địa phương thí điểm, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.

Việc thí điểm hợp đồng điện tử trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố là tiền đề cho việc bổ sung quy định, tạo khung pháp lý mới tại Nghị định 10.

Nghị định 10 quy định tất cả các loại hình kinh doanh vận tải đều được ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành hoạt động vận tải.

Trong đó đã có nội dung quản lý chính thức đối với đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (khi hoạt động kinh doanh xe taxi tính tiền thông qua phần mềm hoặc hợp đồng điện tử). Về phạm vi áp dụng hợp đồng điện tử được áp dụng trên địa bàn các địa phương trong toàn quốc.

Nghị định 10 cho phép taxi được sử dụng phần mềm tính tiền bên cạnh đồng hồ tính tiền. Vậy việc taxi chuyển sang dùng phần mềm tính tiền sẽ phải làm những thủ tục gì? Một xe taxi có vừa dùng đồng hồ tính tiền vừa dùng phần mềm tính tiền được không, thưa ông?

Theo quy định tại Nghị định 10, một xe taxi có thể sử dụng đồng hồ tính tiền và phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền). Khi đó phải đáp ứng đầy đủ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 6 của Nghị định này.

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định cụ thể 2 hình thức sử dụng để tính tiền đối với xe taxi, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có thể lựa chọn một (đồng hồ tính tiền hoặc phần mềm tính tiền) hoặc đồng thời cả hai hình thức sử dụng này và phải thực hiện đúng quy định đối với các hình thức sử dụng để tính tiền như đã quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 và các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi.

Trường hợp một xe taxi sử dụng cả đồng hồ tính tiền và phần mềm tính tiền, phải đáp ứng đầy đủ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 6 của Nghị định 10.

Có lo taxi truyền thống biến mất?

Tài xế của beGroup cung cấp nước xịt khuẩn cho khách trước khi bắt đầu hành trình

Tài xế của beGroup cung cấp nước xịt khuẩn cho khách trước khi bắt đầu hành trình

Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định này, taxi truyền thống sẽ chuyển hết sang chạy hợp đồng và taxi truyền thống sẽ biến mất khỏi Việt Nam?

Theo quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi “Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12x30cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Nghị định 10 được ban hành với quy định để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị kinh doanh vận tải. Việc lựa chọn loại hình kinh doanh nào cho phù hợp là quyền quyết định của tổ chức, cá nhân khi đầu tư. Đồng thời khi lựa chọn theo hình thức kinh doanh nào, phải chấp hành đầy đủ các điều kiện được quy định cho loại hình kinh doanh đó.

Dữ liệu về lịch sử giao dịch của đơn vị cung cấp phần mềm rất quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước thanh kiểm tra, đặc biệt là về nghĩa vụ thuế. Việc quản lý sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Nghị định 10 quy định, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải thực hiện lưu trữ toàn bộ lịch sử các giao dịch đã thực hiện trên phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để phục vụ thanh tra, kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu 2 năm.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải cung cấp, cập nhật các thông tin của chuyến đi thông qua phần mềm của Bộ GTVT.

Theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải còn phải gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử còn phải thực hiện lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 3 năm.

Như vậy, toàn bộ dữ liệu về lịch sử giao dịch trên phần mềm, hoá đơn điện tử đều được lưu trữ tại hệ thống dữ liệu của Bộ GTVT và cơ quan Thuế để phục vụ cho công tác kiểm tra, quyết toán thuế hàng năm đối với các đơn vị kinh doanh.

Tiến độ xây dựng Thông tư hướng dẫn đang được Bộ GTVT xây dựng thế nào? Nếu chậm ban hành Thông tư, doanh nghiệp có được lùi thời hạn chuyển đổi hay không?

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, đầu tiên phải ban hành Luật đến Nghị định, sau đó mới đến Thông tư hướng dẫn. Luật cũng quy định khi ban hành văn bản pháp luật mới phải xin ý kiến đóng góp tối thiểu trong vòng 60 ngày. Theo quy định, Nghị định ký ban hành sau 45 ngày có hiệu lực mới triển khai Thông tư.

Bộ GTVT đã triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 10 sớm hơn tiến độ yêu cầu. Ngày 17/1, Chính phủ ban hành Nghị định 10, ngay sau đó, Bộ GTVT đã xây dựng dự thảo Thông tư xin ý kiến các Bộ, ngành trọng vòng 2 tháng.

Đến 21/3 mới hoàn thành lấy ý kiến và mới được chuyển Vụ pháp chế thẩm định. Sau khi thẩm định xong không có gì vướng mắc sẽ trình lãnh đạo Bộ ký ban hành.

Ngoài ra, Nghị định cũng phân công trách nhiệm của 10 Bộ, ngành về hướng dẫn như hóa đơn điện tử thuộc Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông về phần mềm, Bộ Công an về tuần tra kiểm soát.

Những quy định đối với từng loại hình vận tải trong Nghị định đã khá rõ nên doanh nghiệp cần căn cứ để thực hiện. Lựa chọn theo loại hình nào phải theo quy định của loại hình đó.

Grab sẽ đăng ký kinh doanh vận tải xe hợp đồng

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Grab cho biết, đang phối hợp với Bộ GTVT và các sở GTVT để tuân thủ nghiêm túc Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Grab cho biết, đang phối hợp với Bộ GTVT và các sở GTVT để tuân thủ nghiêm túc Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Theo đó, Grab sẽ tiến hành xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho dịch vụ GrabCar theo quy định tại Nghị định 10 để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng và hợp tác với các đối tác tài xế mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào.

Ngoài ra, Grab vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo tất cả đối tác tài xế tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định 10.

Việc xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định 10 không tạo ra sự gián đoạn nào với dịch vụ gọi xe công nghệ cũng như hoạt động vận hành của Grab.

Grab vẫn tiếp tục mô hình là nền tảng công nghệ cung cấp đa dịch vụ. Hành khách vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng Grab như trước đây.

Đối tác tài xế vẫn là thành viên của các đơn vị vận tải và sử dụng ô tô để cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách bằng hình thức xe hợp đồng điện tử thông qua ứng dụng Grab.

Be hoạt động theo loại hình xe hợp đồng

Đại diện Be cho biết, là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ, beGroup đang triển khai nhiều hoạt động vận hành để phù hợp với quy định của Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Be sẽ yêu cầu các tài xế thực hiện dán cố định decal có cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20cm để hành khách nhận diện.

Từ ngày 17/3/2020, beGroup đã gửi văn bản thông báo đầy đủ đến các tài xế và hợp tác xã về yêu cầu này. Đồng thời, các hợp tác xã và tài xế có hợp tác với beGroup cũng đang tích cực thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì lý do dịch bệnh cùng với yêu cầu hạn chế kinh doanh, di chuyển, tụ tập đông người, việc thực hiện dán decal có thể vẫn chưa đạt tỉ lệ 100% xe đăng ký trước ngày 1/4.

“Cùng đó, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện quy trình, nâng cấp ứng dụng cũng như điều chỉnh hoạt động của mình để phù hợp với các điều kiện kinh doanh vận tải mà Nghị đinh 10 đưa ra.

Từ đó, chúng tôi khẳng định rằng ngày 1/4, beGroup sẽ hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu mà Nghị định 10 đưa ra, và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ trên thị trường”, đại diện Be cho biết.

TP HCM: Grap vẫn chưa thực hiện các thủ tục chuyển đổi hoạt động

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TP HCM cho biết, sau ngày 1/4, kết thúc thí điểm ứng dụng kết nối xe hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, các đơn vị vận tải kết thúc đề án thí điểm ứng dụng kết nối xe hợp đồng trên địa bàn thành phố sẽ được chọn một trong hai phương án hoạt động.

Một là loại hình đơn vị vận tải, hai là đơn vị cung cấp phần mềm. Mỗi phương án phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Việc gắn phù hiệu mới cũng không có gì thay đổi dựa theo nguyện vọng của các doanh nghiệp lựa chọn loại hình kinh doanh.

Theo ông Hải, qua trao đổi với hãng dịch vụ công nghệ Grab, đơn vị này có nguyện vọng sẽ chuyển sang đơn vị vận tải chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm.

Khi chuyển sang dịch vụ vận tải, đơn vị này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện kèm theo. Tuy vậy, đến nay đơn vị này vẫn chưa thực hiện các thủ tục gì để chuyển sang hoạt động dịch vụ vận tải. 

Hết thí điểm, Grab và các hãng gọi xe công nghệ đi vào hoạt động chính thức

Không còn thời kỳ thí điểm, Grab cũng như các hãng xe công nghệ khác sẽ không còn hoạt động theo cơ chế tạm thời mà...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Duy (Thực hiện) ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN