Xây dựng sai nội dung giấy phép bị xử phạt thế nào?

Tùy thuộc vào từng loại giấy phép xây dựng mà mức xử phạt sẽ khác nhau, ngoài việc bị phạt tiền thì buộc phải tháo dỡ nếu không được điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Xây dựng sai nội dung giấy phép bị xử phạt thế nào? - 1

Pháp luật xây dựng không có quy định hay giải thích thế nào là xây dựng sai phép, xây dựng trái phép. Đây là cách gọi phổ biến của người dân để chỉ của tổ chức, cá nhân khi xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng đã được UBND cấp huyện, cấp tỉnh cấp.

Xây dựng sai nội dung giấy phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Xây dựng sai giấy phép xây dựng mới

Theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

Thứ hai, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Thứ ba, phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

Xây dựng sai giấy phép sửa chữa, cải tạo

Khoản 2 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo như sau:

Thứ nhất, phạt tiền từ 3 từ 5 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị.

Thứ hai, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp nhà ở riêng lẻ tại đô thị hoặc công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Thứ ba, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 15 nghị định này còn quy định mức xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm như sau:

Một là, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Hai là, phạt tiền từ 35 đến 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Ba là, phạt tiền từ 300 đến 350 triệu đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức).

Lưu ý, các hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng, gồm:

Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng. Xây dựng công trình sai cốt xây dựng.

Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này).

Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Nếu hành vi vi phạm đã kết thúc

Điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định nếu hành vi vi phạm đã kết thúc thì buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Nếu đang thi công

Căn cứ khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Hết thời hạn trên mà tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng mà công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình hoặc phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

Năm 2021, người dân có thể làm thủ tục cấp sổ đỏ tại nhà

Nghị định 148/2020 của Chính phủ có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp sổ đỏ, trong đó người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN