Xăng tăng giá, loạt tài xế công nghệ tắt app, “tôi gọi xe 5 lần không được”
"Đầu giờ chiều có công việc đi từ quận Cầu Giấy tới quận Đống Đa, nhưng sau 5 lần đặt lệnh gọi xe và chờ trong 20 phút tôi vẫn không thể gọi được tài xế nào. Không thể chờ thêm, tôi tìm điểm xe buýt để đi..."
Chị Quỳnh Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Xe máy của tôi đang bảo dưỡng, trong khi có việc cần đi gấp nhưng khi gọi xe qua ứng dụng, tôi không thể tìm kiếm được tài xế công nghệ nào. Tôi thấy app cứ báo chờ, đang tìm kiếm tài xế, thế mà đợi mãi cũng không có tài xế nhận”.
Nhiều lái xe công nghệ đồng loạt tắt app do giá xăng tăng liên tiếp
Tương tự, chị Hà (Lê Văn Lương, Hà Nội) cũng thất vọng chia sẻ: “Tôi ở chung cư, trước đây khi cần đi đâu tôi chỉ cần đặt lệnh là có xe luôn, nhưng khoảng 2 tuần nay, thì việc tìm kiếm tài xế công nghệ trở nên khó khăn.
Có lần tài xế nhận lệnh nhưng lại hủy với thông báo “xe hỏng”. Kiên nhẫn đặt lệnh khác thì cũng có xe nhưng tài xế báo đang ở xa, tôi phải chời thêm 8 phút tiếp theo”...
Trên đường di chuyển, một tài xế ô tô tên Hùng cho hay, sau hơn 2 năm dịch dã khó khăn, mấy tháng nay dịch ổn nên công việc của tôi bắt đầu đều trở lại, nhưng chưa kịp mừng thì lại đối diện khó khăn khác, đó là giá xăng liên tục tăng cao.
Chiều 13/6, giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh một lần nữa, trong đó xăng E5RON92 (loại xăng xe anh Hùng thường dùng) tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít, khiến anh Hùng thực sự lo ngại vì thu nhập sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Ngày 13/6, giá xăng E5RON92 tiếp tục tăng lên mức 31.110 đồng/lít
Giá xăng liên tục tăng cao trong những ngày qua, đồng nghĩa với việc chi phí chi ra cho mỗi chuyến xe của tài xế xe taxi công nghệ... cũng tăng lên. Không ít tài xế đã phản ứng bằng cách tắt app, nghỉ chạy, hay chuyển nghề.
"Trung bình cứ 2 ngày tôi sẽ đổ hơn 1 triệu tiền xăng, nếu hôm nào chạy nhiều thì thời gian đổ rút ngắn. Chiết khấu phía hãng xe cộng với các khoản chi phí xăng, bảo dưỡng, hao mòn,... đã chiếm hơn 70% trong tổng thu nhập. 30% còn lại không đủ lo cho vợ con chứ nói gì đến khoản nợ ngân hàng hơn 200 triệu tôi đang trả góp tiền xe hàng tháng", anh Hùng than thở.
Cũng theo anh Hùng, thời điểm này Hà Nội bắt đầu mùa mưa, mỗi ngày thường xuất hiện mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nếu chạy xe vào thời điểm ấy tuy giá cước cao nhưng rất nhiều rủi ro. Nếu chẳng may đi xe vào vùng ngập, xe hỏng hay cây cối gãy đổ đè trúng thì không thể nói trước được thiệt hại nhiều tới mức nào.
“Nhiều đồng nghiệp của tôi đã chọn phương án tắt app, nằm nhà. Vẫn biết, không làm sẽ không có thu nhập, nhưng hoàn cảnh này có làm cũng không có thu nhập. Do đó anh em đành tắt app và tìm công việc khác thôi” – anh Hùng nói.
Với ông Vĩnh (54 tuổi) – một tài xế xe mô tô thì chọn giải pháp khác. Ông Vĩnh cho hay, xăng tăng giá trong khi giá cước chưa thể tăng luôn được và chính sách điểm thưởng từ các hãng xe cũng vẫn như cũ, nên bất đắc dĩ anh em tài xế đành tắt app.
“Nếu không làm thì cũng không có tiền trang trải cuộc sống, nên mấy ngày nay dù tắt app xe công nghệ tôi vẫn chạy xe tìm khách dọc đường. Chạy cuốc nào mình thu tiền cuốc đó, không phải trích phần trăm trả về hãng nên cũng đỡ một phần” – ông Vĩnh chia sẻ.
Xăng tăng giá sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực nhưng với những người lái xe như anh Hùng, ông Vĩnh có lẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều và trước nhất.
Dù chưa biết quy hoạch cụ thể, nhưng thời gian qua dọc tuyến đường Vành đai 4 đi qua, các nhà đầu tư đã săn hàng, "ôm hàng" chờ tăng giá. Thế nhưng, theo nhiều chuyên...
Nguồn: [Link nguồn]