Xác thực sinh trắc học thế nào nếu chưa có CCCD gắn chip
Với căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể tự xác thực sinh trắc học bằng ứng dụng giao dịch trực tuyến, nếu không có phải tới trực tiếp ngân hàng.
Đầu tuần sau, giao dịch trực tuyến ngân hàng sẽ áp dụng theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, với bốn cấp xác thực từ đơn giản tới phức tạp (phân loại từ A, B, C, D). Đây là điều kiện bắt buộc với chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc trên 20 triệu đồng mỗi ngày, giao dịch hàng hóa - dịch vụ trên 100 triệu đồng.
Theo thông báo các ngân hàng, việc đăng ký sinh trắc học có thể tự thực hiện trực tiếp qua ứng dụng (app) bằng cách dùng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Dữ liệu phải trùng với thông tin trên căn cước hoặc tài khoản định danh điện tử. Vì thế, thiết bị của người dùng phải có chức năng quét khuôn mặt hoặc vân tay và có tính năng đọc NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn).
Trong trường hợp khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân hoặc căn cước không gắn chip còn thời hạn sử dụng, việc xác thực không thể tự thực hiện.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với giao dịch loại C, D (hai cấp cao nhất) được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra. Trường hợp chưa có căn cước gắn chip, người dân phải tới chi nhánh của ngân hàng để cập nhật, xác minh dữ liệu.
Các ngân hàng được yêu cầu phải kiểm tra chứng minh nhân dân hoặc căn cước không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
Khách hàng chạm căn cước công dân gắn chip vào mặt sau điện thoại, vị trí có đầu đọc NFC, để xác thực sinh trắc học lần đầu qua ứng dụng ngân hàng. Ảnh: Quỳnh Trang
Thực tế, một số người dùng lâu nay đã sử dụng tính năng xác thực vân tay, khuôn mặt trên điện thoại khi đăng nhập hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Tuy nhiên, tính năng này về bản chất là do hệ điều hành điện thoại thực hiện so sánh vân tay, khuôn mặt của người dùng với dữ liệu đã đăng ký trên thiết bị, sau đó truyền kết quả xác thực cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Trong khi đó, việc xác thực sinh trắc học theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, phải dựa trên so sánh đặc điểm sinh trắc của người dùng với thông tin đã đăng ký tại dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an cung cấp hoặc qua VNEID - đang thí điểm. Do đó, theo đại diện một ví điện tử, người dùng cần phân biệt giữa tính năng sinh trắc học thiết bị với sinh trắc học dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia.
Trong trường hợp việc tự đăng ký bằng căn cước gắn chip gặp khó khăn, người dân cũng được khuyến nghị đến trực tiếp ngân hàng để hoàn tất việc xác minh.
Nếu không xác thực sinh trắc học khớp dữ liệu trên CCCD gắn chip hoặc Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng, người dân chỉ được giao dịch dưới 10 triệu đồng mỗi lần, hoặc dưới 20 triệu đồng mỗi ngày.
Theo Quyết định 2345, hai cấp xác thực thấp nhất là A và B không yêu cầu xác thực sinh trắc học.
Giao dịch loại A, khách hàng chỉ cần vào bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc thanh toán dưới 5 triệu đồng.
Xác thực loại B bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử để chuyển tiền cho người khác, nạp và rút tiền với ví điện tử. Tuy nhiên, quy mô giao dịch chỉ được dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày. Xác thực cấp độ này cũng áp dụng cho giao dịch thanh toán có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có hướng dẫn hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học an toàn, bảo mật trong thanh toán.