Vừa cách ly vừa làm việc: Giám đốc vào nhà máy ở
Nhiều công ty cho hay đã thực hiện chủ trương “ba tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm” để duy trì sản xuất.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, những doanh nghiệp (DN) không đáp ứng được quy định vừa sản xuất vừa cách ly cho công nhân theo phương châm làm tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và “một cung đường hai địa điểm” thì phải dừng hoạt động từ ngày 15-7.
Tính đến ngày 14-7, có 27 công ty ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM đã đăng ký thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Trước yêu cầu trên, nhiều công ty ở TP.HCM đã gấp rút chuẩn bị chỗ ăn ở cho công nhân. Tuy nhiên, nhiều đơn vị xoay xở không kịp nên chấp nhận đóng cửa nhà máy hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.
Nỗ lực xoay xở để không đứt gãy sản xuất
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, kể ngày 14-7, ban lãnh đạo công ty đã gấp rút triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tiêu chí “ba tại chỗ” cho lực lượng lao động sản xuất tại nhà máy. Qua đó nhằm duy trì chuỗi sản xuất và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm cho người dân.
Theo đó, công ty tiến hành làm vệ sinh khu vực hội trường, khu vực tiếp khách, văn phòng chưa sử dụng… để làm chỗ ở cho khoảng 200 người lao động (NLĐ). Đồng thời công ty trang bị thêm các vật dụng cần thiết như mùng, mền, chiếu… để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Đặc biệt công ty miễn phí toàn bộ tiền ăn cho NLĐ làm việc tại nhà máy trong thời gian họ ở lại sản xuất nhằm động viên tinh thần và giúp họ yên tâm làm việc.
“Hiện công ty có 400 NLĐ bao gồm cả lao động thời vụ nhưng chúng tôi chỉ bố trí 50% số lao động ở lại để thực hiện “ba tại chỗ”. Mục đích nhằm đảm bảo giãn cách tối thiểu giữa người với người” - ông Dũng thông tin.
Ông Dũng cũng đánh giá việc thực hiện tiêu chí “ba tại chỗ” không hề đơn giản vì thời gian quá gấp gáp và có nhiều việc phát sinh. Tuy nhiên, NLĐ ở ngay trong nhà máy cũng là một cách để bảo vệ họ trước nguy cơ bị lây nhiễm từ bên ngoài.
“Tôi là một trong những người đầu tiên xách valy vào nhà máy ở vì khi có tôi mọi người sẽ yên tâm hơn. Bản thân tôi cũng cố gắng tìm nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm nhằm đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho NLĐ. Bằng tất cả giải pháp của chính quyền và doanh nghiệp, hy vọng TP.HCM sớm ngăn chặn được dịch bệnh” - ông Dũng bày tỏ.
Đại diện Acecook Việt Nam thông tin, trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, công ty đã lên phương án “ba tại chỗ”. Theo đó, hiện có khoảng 1.000 nhân viên công ty ở lại theo phương châm này.
“Công ty lo cho NLĐ ba bữa ăn hằng ngày và bố trí chỗ nghỉ ngơi tại chỗ cho lực lượng nhân viên này để đảm bảo tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân liên tục” - Acecook Việt Nam thông tin thêm.
Không kịp trở tay
Tuy vậy, thực tế không phải công ty nào cũng đáp ứng được các tiêu chí “ba tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm”… nên đành đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động đến mức tối thiểu. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam, cho biết đơn hàng hiện đảm bảo cho hơn 8.000 công nhân của công ty làm việc ổn định. Song do dịch bệnh diễn biến khó lường nên gặp nhiều khó khăn do gia tăng các biện pháp y tế để phòng chống dịch.
Đặc biệt với quy mô sản xuất và số lao động hiện tại công ty khó đáp ứng hai phương án trên. Lý do, diện tích nhà máy chỉ có thể đáp ứng cho dưới 1.000 công nhân làm việc theo tiêu chí “ba tại chỗ”, còn tăng thêm sẽ không đủ diện tích để sắp xếp cho hàng ngàn công nhân ở lại.
Thứ hai, khi số lượng nhân công không đủ cho chuyền sản xuất sẽ không thể vận hành hoặc có vận hành thì năng suất lao động thấp, không hiệu quả. Thứ ba, chi phí xét nghiệm hằng tuần sẽ đội lên rất lớn. Vì bình quân mỗi công nhân tốn khoảng 300.000 đồng, nếu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân thì mỗi tuần chi phí lên đến hàng tỉ đồng.
“Với những đơn vị có quy mô lao động thấp thì mới có thời gian để chuẩn bị và đáp ứng phương án “ba tại chỗ”. Còn với những công ty có hàng ngàn người thì khó khả thi. Do vậy chúng tôi đang tính toán một số phương án, trong đó nếu tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn thì vẫn trả lương cho NLĐ. Còn nếu dịch vẫn tiếp tục kéo dài thì phương án tạm dừng hợp đồng cũng cần tính đến” - đại diện Hansae Việt Nam nói.
Giám đốc một công ty sản xuất bánh kẹo tại TP.HCM cũng cho hay đơn vị đang tính toán phương án tạm ngưng sản xuất. Nguyên nhân do khâu vận chuyển hàng hóa bị ách tắc, chi phí để xét nghiệm COVID-19 khá tốn kém và thời gian chuẩn bị gấp gáp không kịp trở tay.
Nhiều công ty khác cũng chia sẻ hiện đơn hàng xuất khẩu khá ổn định. Tuy nhiên, phương án “ba tại chỗ” không dễ thực hiện. Ví dụ, chi phí để duy trì sinh hoạt, ăn ở, đi lại, vệ sinh môi trường… lớn, chưa kể chi phí xét nghiệm hằng tuần cho hàng ngàn thậm chí cả chục ngàn NLĐ khá cao, không lo nổi.
Để chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy
Nhiều công ty sản xuất mặt hàng thực phẩm, hàng xuất khẩu lo ngại nếu đóng cửa nhà máy sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Do vậy, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa ra các điều kiện cũng như lộ trình hợp lý để các DN có thời gian thực hiện. Như vậy mới đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện chủ trương “ba tại chỗ”, “một cung đường hai địa điểm”. Đơn vị này cho hay các đơn vị sản xuất, kinh doanh vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, giữ chân công nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và tổ chức đi lại, ăn ở cho công nhân.
Tuy nhiên, các DN cho biết đang gặp khó khăn khi tìm nơi tạm trú cho công nhân. Mặt khác, khi áp dụng quy định “một cung đường hai địa điểm”, một số đơn vị không đáp ứng vì có một điểm đến nhưng lại nhiều điểm đón do phải thuê nhiều khách sạn ở các điểm khác nhau.
Trước tình hình này, DN rất mong chính quyền quan tâm hỗ trợ cho DN được thuê mướn hoặc sử dụng các mặt bằng trong phạm vi quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, đặc điểm từng nhà máy hay công ty có ngành nghề khác nhau, cách sử dụng lao động làm việc và giờ giấc rất khác nhau, điều kiện ở khác nhau. Do đó, hiệp hội kiến nghị các quy định cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù quan trọng.•
Nhiều công ty thuê khách sạn cho công nhân
Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho hay hiện Khu công nghệ cao có 70/85 công ty đăng ký tiếp tục hoạt động theo quy định mới. Chẳng hạn, Công ty Datalogic tổ chức ăn ở tại chỗ cho 150 công nhân, đồng thời gửi 150 công nhân khác lưu trú tại năm khách sạn lớn nhỏ. Công ty Intel bố trí 1.000 công nhân lưu trú tại nhiều khách sạn ở quận 1, quận 9 và Phú Nhuận, hằng ngày có xe đưa đón công nhân...
Tuy vậy, tại Khu chế xuất Linh Trung 1 đã có 13/32 DN thông báo ngưng hoạt động. Khu chế xuất Linh Trung 2 có 10/30 DN thông báo ngưng hoạt động. Khu công nghiệp Hiệp Phước có 25/159 DN thông báo ngưng hoạt động. Khu chế xuất Tân Thuận hiện còn 110/250 DN tiếp tục hoạt động...
Công nhân Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn được bố trí chỗ ở ngay tại nhà máy. Ảnh: AN PHƯƠNG
Hình thành ngay hệ thống cung cấp nhu yếu phẩm
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, đề xuất TP cần tháo gỡ khó khăn cho DN trong giao thông hàng hóa. Đặc biệt, do số lượng công nhân lớn nên việc lo ăn ở sẽ gặp khó khăn, vì vậy hiệp hội kiến nghị các đơn vị liên quan hình thành ngay hệ thống cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các DN thực hiện “ba tại chỗ”.
Hiệp hội cũng cho rằng cần khuyến khích DN tự xây dựng khu cách ly tạm thời nhằm chủ động xử lý tình huống phát sinh F0 và F1 ngay trong nhà máy.
Quyết định dốc hết tiền tiết kiệm ra khởi nghiệp đã mang lại thành công cho anh chàng này
Nguồn: [Link nguồn]